Bát Xát – Lào Cai: Phá công trình bể nước của dân có đúng luật?
Tiếng dân - Ngày đăng : 22:48, 30/07/2021
Bức xúc về thiệt hại tài sản, ông Khánh đã làm đơn tố cáo gửi khắp nơi. Việc xây dựng bể nước phục vụ trồng trọt có phải xin phép hay không? Việc tổ chức phá dỡ công trình khi không có quyết định cưỡng chế là đúng hay sai? Có hay không việc chỉ đạo cấp dưới phá dỡ qua điện thoại cần phải sớm được làm rõ. Tránh tình trạng vận dụng sai các quy định của pháp luật...
Xây bể nước trên đất nông nghiệp đúng hay sai?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bảo Khánh (SN 1965), trú tại tổ 5, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết bản thân là một người chuyên về nông nghiệp, nên thời gian qua, ông và 4 hộ dân tại thôn Cán Cấu, xã A Lù đã chuyên canh trồng các loại cây phù hợp với khí hậu lạnh như hoa hồng cổ, đỗ quyên, hoa anh đào, hoa đào cổ….
Để có nước tưới về mùa khô, ông đã bỏ tiền ra mua gạch, xi măng về xây dựng bể nước, nhằm chứa nước phục vụ canh tác. Là người cẩn thận, ông đã gọi điện thông báo cho địa chính xã A Lù. Còn khi thợ đang xây, chính ông Sùng A Lùng, Chủ tịch xã A Lù và ông Lồ A Sính, Phó chủ tịch xã đều đến đứng xem, quan sát thợ xây dựng. Và cả hai ông lãnh đạo xã A Lù đều không có ý kiến gì.
Ông Lê Bảo Khánh bức xúc vì bị đập phá bể nước |
Đến 9g30, sáng ngày 15/6/2021, bất ngờ thấy ông Lồ A Sính, Phó chủ tịch UBND xã, bà Đoàn Thị Phượng, cán bộ địa chính đến lập biên bản xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Và tổ công tác này “kết luận” luôn là ông Khánh vi phạm, việc tự ý xây dựng bể nước là tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Tổ công tác yêu cầu dừng lại và tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng thửa đất…
Tổ công tác đến |
Ngay sau khi tổ này đi ra, thì đến 10 giờ cùng ngày, lại có 1 tổ khác do ông Sùng A Lùng, chủ tịch UBND xã A Lù; ông Hiện, trưởng công an xã cùng gần 10 người nữa đến. Ông Lùng, chủ tịch xã chỉ đạo các cán bộ đi cùng đập phá bể nước. Thấy vô lý, ông Khánh đã giải thích: Việc ông xây dựng bể nước có chiều cao khoảng 60 cm, không phải là công trình nhà cửa, đây là bể nước phục vụ cho tưới tiêu thì tại sao lại cho đập phá của ông?. Lúc ông Khánh xây, nếu sai, tại sao các cán bộ xã có chứng kiến lại không yêu cầu dừng ngay?. Để đến khi làm xong mới cho đập phá. Vậy quyết định cưỡng chế của đoàn công tác đâu?.
Thấy có vẻ đuối lý, thì vị chủ tịch xã A Lù lại gọi điện thoại đi đâu đó, xong lại vào và cương quyết chỉ đạo phá. Kết quả, chỉ trong 30 phút, 5 – 6 người gồm dân quân, bảo vệ đã dùng búa tạ, xà beng đập tan bể nước của nhà ông Khánh, mà không hề có 1 quyết định cưỡng chế nào cả.
Lại một tổ khác đến, chỉ đạo đập luôn, không có quyết định cưỡng chế |
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Lâu nay, ở một số nơi có tình trạng chính quyền địa phương “lạm dụng” Luật Xây dựng để gây khó dễ cho người dân. Lấy lý do xây nhà phải xin phép để gây sức ép, phiền nhiễu. Thực tế, có công trình thì bắt buộc phải xin phép, nhưng có nhiều công trình không phải xin. Ở trường hợp của gia đình ông Lê Bảo Khánh và 04 hộ dân tại thôn Cán Cấu chỉ có xây dựng 01 bể nước, phục vụ cho nông nghiệp là không sai.
Căn cứ theo khoản 2, điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 nay là khoản 30, điều 1, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2021 ở mục I nêu rõ: “Công trình xây dựng cấp 4, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, nhà ở riêng lẻ ở miền núi.... thì được miễn giấy phép xây dựng”. Vậy công trình bể nước nhà ông Khánh thuộc nhóm công trình nào mà các cán bộ xã A Lù nhanh tay đập phá?. Căn cứ theo điểm h, khoản 1, điều 10, Luật Đất đai năm 2013 thì việc ông Khánh tổ chức xây dựng bể nước phục vụ nông nghiệp là đúng quy định - Luật sư Nguyễn Thu Phương cho biết.
Các lực lượng kéo đến quay clip và hỗ trợ đập bể nước
|
Trách nhiệm thuộc về ai?
Bức xúc trước việc bị phá hoại tài sản với những lý do đưa ra không thoả đáng, ông Lê Bảo Khánh đã làm đơn khiếu nại đích danh ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát; ông Sùng A Lùng, Chủ tịch UBND xã A Lù lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai để đề nghị xem xét, làm rõ “động cơ” phá tài sản của gia đình ông Khánh và 04 hộ dân.
Được biết, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Lê Bảo Khánh, ngày 22/6/2021 UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn số 318/UBND-TCD, do ông Bùi Văn Thìn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai ký thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, giao cho Thanh tra tỉnh nghiên cứu nội dung đơn tố cáo của công dân, tố chức làm việc với ông Lê Bảo Khánh.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bảo Khánh cho biết: Ngày 28/6/2021, ông Khánh đã có buổi làm việc với tổ xử lý đơn của Thanh tra tỉnh Lào Cai. Mọi bằng chứng, ông Khánh đều đã cũng cấp đầy đủ cho tổ thanh tra.
Trụ sở UBND xã A Lù |
Liên hệ đến UBND xã A Lù, để làm việc, thì các cán bộ ở đây cho biết: Hiện tại, ông Sùng A Lùng, Chủ tịch xã đi vắng không biết bao giờ về. Phóng viên trực tiếp gọi cho ông Sùng A Lùng, thì ông này cho biết mình “rất bận”, có gì cứ lên UBND huyện Bát Xát để tìm hiểu.
Để rộng đường dư luận, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ đến ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy huyện Bát Xát để đề nghị làm rõ. Ông Triều sau khi nghe phóng viên trình bày về những vấn đề nêu trên thì cho biết: "Hiện tại mình bận đi họp, có gì sẽ trao đổi vào buổi khác", rồi ông Triều gác máy…
Việc ai chỉ đạo đập phá tài sản của dân?. Việc xây dựng 01 bể nước, có cần phải xin giấy phép xây dựng hay không?, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải làm rõ. Tránh tình trạng áp dụng luật pháp không đúng, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.