Gia Lai: Thực hiện mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19, gắn với bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 14:10, 30/07/2021
Tầm soát lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân buôn bán tại chợ đêm Pleiku (Gia Lai) |
Duy trì phát triển kinh tế
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Gia Lai trải qua 03 đợt dịch Covid-19, ghi nhận 68 ca mắc, đã điều trị khỏi 34 ca. Theo UBND tỉnh Gia Lai, với sự tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch vừa thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu kép nên trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,7%; giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu, doanh thu bưu chính viễn thông, số lao động được tạo việc làm đều tăng trưởng và cao hơn so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông tiếp tục có bước phát triển. Chỉ số PCI cấp tỉnh được cải thiện. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây là kết quả đáng mừng và cần được phát huy.
Giữa tháng 7/2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại Gia Lai. Khi số bệnh nhân dướng tính với SARS-Cov-2 tiếp tục tăng lên từng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai nâng cao mức cảnh báo dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất liên tục, không bị đứt gãy…
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu ngành Công thương điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp trong các khu cụm công nghiệp, các nhà máy, các doanh nghiệp phân phối trên cơ sở tổ chức sản xuất và tổ chức bán hàng phù hợp vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.
Đồng thời, rà soát và hướng dẫn các địa phương tổ chức kinh doanh trong các chợ dân sinh, đảm bảo phân luồng ra vào, giữ khoảng cách, thực hiện cao nhất các biện pháp phòng dịch; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát qua các tổ Covid trong các chợ và các Ban quản lý chợ cũng như các cơ quan chức năng của địa phương; không chủ quan, lơ là để dịch bệnh xâm nhập vào chợ.
Tổ chức khai báo y tế đối với người trở về từ vùng dịch |
Chú trọng bảo vệ môi trường
Bà Lương Thị Tuyết Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn về môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đúng theo quy định, nhằm phòng chống dịch Covid-19, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã ban hành các văn bản hướng dẫn một số nội dung chủ yếu trong công tác quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 phải đảm bảo không phát tán mầm bệnh; đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân; và người thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh cho biết, việc quản lý chất thải y tế tại tất cả các khu vực khám, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 hay các cơ sở cách ly y tế tập trung, khu vực công cộng đều quan trọng để không làm lây lan, bùng phát dịch bệnh. Mỗi khu vực sẽ có một hướng dẫn riêng về việc quản lý chất thải. Trong đó, đối với chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế ngay trong ngày, bằng lò đốt chất thải rắn y tế, hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm hoặc thiết bị khử khuẩn khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Ngoài ra, cũng có thể vận chuyển chất thải y tế có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 để xử lý trong ngày tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung gần nhất bằng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện khác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; nước thải phát sinh từ khu vực khám chữa bệnh, khu cách ly y tế tập trung phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế và tăng cường xử lý khử khuẩn nước thải đầu ra theo quy định.
“Sở TN&MT cũng đề nghị Sở Y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh đến cơ sở xử lý”, bà Vinh nói.