Đà Nẵng: Huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 21:32, 29/07/2021
Ngày 29/7, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Tăng cường các nguồn lực hỗ trợ về quản lý rác thải nhựa đại dương” với sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế UNESCAP, JICA, IGES, WB… cùng đại diện lãnh đạo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở TN&MT….
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, trước những áp lực rác thải nhựa lên môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, cũng như cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch hành động số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Hội thảo trực tuyến “Tăng cường các nguồn lực hỗ trợ về quản lý rác thải nhựa đại dương” |
Mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030, vận động trên 95% ngư dân khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác thải nhựa xuống biển; ít nhất 80% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Trên 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa).
Việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển trong phạm vi Đà Nẵng; hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố, đáp ứng với Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn và mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường trong thời gian đến.
Tại Hội thảo, ông Kumara - Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) đã chia sẻ Dự án “Khép kín vòng tuần hoàn: Nâng tầm đổi mới để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại các thành phố ASEAN” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Theo đó, thời gian tới Dự án sẽ tập trung vào các hành động ưu tiên tại các thành phố ở Việt Nam như: Nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi của người dân để giảm thiểu nhựa sử dụng một lần; Thực hiện các hành động có mục tiêu giảm thiểu nhựa phát sinh và rò rỉ nhựa ở các cơ sở sản xuất trong thành phố; Hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn…
Đại diện các tổ chức quốc tế cam kết ủng hộ Đà Nẵng thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa |
Tham dự hội thảo, đại diện của các tổ chức WB, JICA, IGES… đều đánh giá cao và cam kết sẽ hỗ trợ các giải pháp để Đà Nẵng sẽ trở thành địa phương tiên phong ở Việt Nam về giảm thiểu rác thải nhựa.
Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, với định hướng xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường, hưởng tới thành phố sinh thái”, trước mắt là thực hiện Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương, Đà Nẵng rất muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ để địa phương có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn ở các nhóm lĩnh vực như xây dựng cách tiếp cận truyền thông toàn diện đối với đối tượng trường học – học sinh; doanh nghiệp,... về quản lý rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn.
Người dân Đà Nẵng tích cực phân loại rác tại nguồn |
Xây dựng hệ thống các tiêu chỉ và đánh giá các doanh nghiệp thực hành tốt về quản lý chất thải rắn; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các giải pháp giám sát nguồn phát thải nhựa; thiết lập hệ thống dữ liệu số về chất thải rắn.
Đồng thời, phát triển các đề xuất dự án đầu tư tái chế rác thải nhựa, nhất là loại có giá trị thấp (nilon, bao bì, nhựa dùng một lần, hộp xốp,...) và hỗ trợ các mô hình cộng đồng, tiểu thương, ngư dân triển khai các sáng kiến, giải pháp thu hồi CTR, CTR-N các khoản tài trợ.
“Trong thời gian đến, với cách tiếp cận, tương tác giữa Đà Nẵng và các tổ chức quốc tế cho các đề xuất dự án liên quan đến rác thải nhựa của thành phố , chúng ta tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu nhất định. Sở TN&MT cam kết sẽ chủ trì, đầu mối, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để thúc đẩy, triển khai hiệu quả từ các nguồn lực hỗ trợ này và đảm bảo các quy định của Việt Nam về công tác quản lý, tiếp nhận hỗ trợ.”- ông Hùng cho biết.