Ghi nhận thêm 4.773 ca mắc COVID-19

Xã hội - Ngày đăng : 20:17, 29/07/2021

(TN&MT) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h đến 18h30 ngày 29/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.773 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 4.772 ca ghi nhận trong nước.

Ảnh minh họa

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tính từ 6h đến 18h30 ngày 29/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.773 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 4.772 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.877), Bình Dương (738), Long An (320), Đồng Nai (166), Đồng Tháp (142), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Bình Thuận (63), Hà Nội (58), Đà Nẵng (54), Phú Yên (37), Bình Phước (35), Cần Thơ (33), Trà Vinh (18), Hải Dương (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (10), Bình Định (8 ), Đắk Lắk (7), Vĩnh Phúc (6), Thanh Hóa (6), Hậu Giang (5), Lạng Sơn (5), Phú Thọ (4), Cà Mau (4), Hà Tĩnh (4), Kiên Giang (3), Ninh Thuận (3), Nghệ An (3), Lâm Đồng (2), Đắk Nông (2), Hà Giang (2), Bạc Liêu (2), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1). Trong đó, có 949 ca trong cộng đồng.

Trong ngày 29/7 ghi nhận 7.594 ca mắc mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 7.593 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (4592), Bình Dương (1144), Long An (499), Đồng Nai (325), Bà Rịa - Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157), Tây Ninh (139), Bình Thuận (63), Hà Nội (59), Đà Nẵng (54), Phú Yên (52), Đắk Lắk (44), Cần Thơ (39), Bình Phước (35), Vĩnh Long (31), Kiên Giang (21), Khánh Hòa (18), Trà Vinh (18), Hậu Giang (13), Bình Định (11), An Giang (10), Hải Dương (10), Thừa Thiên Huế (10), Quảng Nam (10), Nghệ An (7), Lạng Sơn (6), Vĩnh Phúc (6), Thanh Hóa (6), Bạc Liêu (4), Đắk Nông (4), Phú Thọ (4), Cà Mau (4), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (3), Lâm Đồng (2), Hà Giang (2), Ninh Bình (1), Quảng Ngãi (1). Trong đó, có 1.536 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 29/7, Việt Nam có 128.413 ca mắc trong đó có 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 124.635 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 5/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

Tình hình điều trị

Theo Bộ Y tế, trong ngày 29/7 có 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 31.780 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 346 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 233 ca tử vong do COVID-19 (số 631-863) từ ngày 19-26/7/2021 tại 7 tỉnh, thành phố sau:

Tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/7: 189 ca

Tại Tỉnh Khánh Hòa từ ngày 19-26/7: 14 ca

Tại Tỉnh Long An từ ngày 25-26/7:10 ca

Tại Tỉnh Đồng Nai từ ngày 23-26/7: 8 ca

Tại Tỉnh Bến Tre từ ngày 20-25/7: 6 ca

Tại Tỉnh Vĩnh Long từ ngày 20-26/7: 4 ca

Tại Tỉnh Bình Dương từ ngày 20-22/7: 2 ca

Tình hình xét nghiệm, tiêm chủng

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 112.468 xét nghiệm cho 316.424 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.711.291 mẫu cho 16.529.067 lượt người.

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Bộ Y tế điều các Bệnh viện hạng đặc biệt tuyến trung ương thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh

Sáng ngày 29/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã làm việc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thành uỷ Phan Văn Mãi cùng làm việc với Bộ trưởng tại điểm cầu Thành uỷ. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng các đồng chí trong UBNT Thành phố, Giám đốc các Sở, ngành liên quan làm việc tại điểm cầu UBND Thành phố.

Tại cuộc làm việc, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm nhất trong phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa được các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

“Để tiếp tục cùng TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19, ngoài những lực lượng tinh nhuệ đã huy động trước đó, Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả các đồng chí lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… của Bộ Y tế vào Thành phố để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đồng thời Bộ trưởng khẳng định: Bộ Y tế giao các Bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Giám đốc các bệnh viện trung ương sẽ làm giám đốc các bệnh viện hồi sức COVID-19 này.

Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2 (bệnh viện này đã đi vào hoạt động và đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch), Bộ Y tế sẽ cùng với Thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức Trần Bình Giang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức với quy mô 500 giường. Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt-Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.

Giám đốc Trần Bình Giang cho biết ngay chiều qua đã đưa êkip gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt – Đức vào TP Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của Bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Bộ Y tế giao thiết lập Trung tâm hồi sức COVID-19 quy mô 500 giường tại TP Hồ Chí Minh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TP Hồ Chí Minh với quy mô 500 giường. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh; Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại Bệnh viện hồi sức này. Ngay trong chiều nay, đoàn sẽ lên đường bay vào TP Hồ Chí Minh

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.

Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tuỳ theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP Hồ Chí Minh cần lên phương án cụ thể về nhân lực, để các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện do Bộ Y tế điều động vào cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất cũng vậy, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực để thiết lập thêm dần dần đáp ứng công năng điều trị.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh cho rằng để các Trung tâm hồi sức tích cực của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả, Thành phố cần thiêt lập một trung tâm điều phối, hỗ trợ các Trung tâm Hồi sức tích cực để mọi hoạt động được nhịp nhàng, hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó TP Hồ Chí Minh cần đảm bảo các công tác hậu cần để các Trung tâm Hồi sức tích cực hoạt động hiệu quả.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đều nhất trí với phương án của Bộ Y tế và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Y tế triển khai thiết lập các Trung tâm Hồi sức tích cực này này với tinh thần “nhanh nhất vì sức khoẻ người dân”.

Khánh Linh