Thị trường Bất động sản: Vắng bóng nhà đầu tư “lướt sóng”
Bất động sản - Ngày đăng : 10:50, 29/07/2021
Tâm lý chung của thị trường
Thị trường BĐS chưa kịp hồi phục thì đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tiếp tục đẩy các DN BĐS vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Theo các chuyên gia, hiện nay, ngoài khó khăn chung, các DN BĐS còn chịu thêm ảnh hưởng từ các yếu tố riêng của ngành địa ốc. Với thực trạng đó, thị trường khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021. Song, tín hiệu vui hiện nay, đó là Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng đang được triển khai. Đại dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến thu nhập của người dân và DN, do đó, cần có thời gian để khách hàng và tâm lý chung của thị trường BĐS quay trở lại trạng thái khởi sắc.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến một số phân khúc bất động sản rơi vào cảnh khó khăn (Ảnh minh họa) |
Tổng Giám đốc một công ty địa ốc cho rằng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến thị trường BĐS là tất yếu. Trong đó, đất nền, căn hộ còn duy trì mức giá ổn định, riêng dự án condotel, biệt thự ven biển giá giảm mạnh nhưng vẫn khó hấp thụ. Nhiều DN BĐS vì thiếu vốn, sản phẩm bán không được, cộng với việc “gồng” trả lãi suất vay vốn đã khiến họ phải rời bỏ thị trường, thậm chí tạm đóng cửa. Để duy trì hoạt động kinh doanh, một số DN BĐS lớn đã phải phát hành trái phiếu để xoay dòng tiền hay kêu gọi góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Không chỉ DN BĐS bị ảnh hưởng mà nhà đầu tư cũng rơi vào “thảm cảnh”. Anh Huy cho biết: “Tôi có 2 căn hộ tại TP.HCM cho thuê và vay ngân hàng 50%; mua 1 nền đất ở Long An và vay 35% giá trị tài sản. Hiện “sổ đỏ” nền đất ở Long An tôi đã đem “cắm” ngân hàng, mỗi tháng trả lãi vay và nợ gốc gần 20 triệu đồng. Dịch Covid-19 bùng phát 2 tháng qua, việc cho thuê và kinh doanh tại 2 căn hộ đã giảm sút, tôi phải chật vật xoay tiền trả lãi suất ngân hàng. Vì “lãi mẹ đẻ lãi con”, tôi rao bán 1 căn hộ để giải tỏa áp lực tài chính, nhưng vẫn chưa bán được”.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng: “Nhà đầu tư không nên “lướt sóng” bằng vốn đi vay mà phải chuẩn bị tiềm lực tài chính tương đương 50% giá trị BĐS đầu tư; phải dự tính về dòng tiền hàng tháng phải trả ngân hàng nếu kịch bản “lướt sóng” không thành công. Như vậy, nhà đầu tư mới hạn chế được khả năng đối mặt với áp lực lãi vay ngân hàng khi kịch bản lướt sóng thất bại”.
Cần đảm bảo dòng vốn
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, dù thị trường BĐS có những yếu tố thuận lợi như lãi suất giảm, vay vốn thuận lợi, nhưng 6 tháng cuối năm 2021 cũng không phải là thời điểm “vàng son” để nhà đầu tư xuống tiền. Còn người vay vốn đầu tư nên xem xét thu nhập để đảm bảo số tiền lãi và gốc phải trả ngân hàng mỗi tháng không vượt quá 50% thu nhập. Giữa lúc thị trường đang gặp thách thức và khó khăn, các nhà đầu tư nên chuẩn bị dòng vốn để hướng tới đầu tư trung hạn. Kịch bản này khả năng sẽ xảy ra sau khi dịch Covid-19 đi qua.
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2021, việc nhà đầu tư “lướt sóng” BĐS sẽ khó chồng khó bởi đầu tư “lướt sóng” đã chứa đựng rất nhiều rủi ro về xu hướng thị trường. Năm 2021 là cơ hội mua nhà để ở, thị trường BĐS gần như “vắng bóng” nhà đầu tư “lướt sóng”. Tuy vậy, vẫn có một số nhà đầu tư không có áp lực về tài chính, họ có một khoản tiền lớn rồi tìm mua lại những sản phẩm BĐS với giá bán thấp để đợi dịch đi qua bán lại kiếm lời.
“Nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều vào việc đầu tư “lướt sóng” không chỉ ở thời điểm này, bởi những năm gần đây, thị trường BĐS nhìn chung đã thiết lập nên mặt bằng giá mới trên diện rộng. Song, điều này không có nghĩa là triệt tiêu hình thức đầu tư “lướt sóng”. Nếu tính toán đúng, nhà đầu tư vẫn có thể “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng tỷ lệ “lướt sóng” thành công không cao”, ông Phan Dũng Khánh phân tích.
“Năm 2021, thị trường BĐS gần như vắng bóng nhà đầu tư “lướt sóng”. Qua đợt dịch Covid-19, sẽ có những đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp các danh mục đầu tư phù hợp. Nhà đầu tư cần xem kỹ hơn nữa những thông tin về quy hoạch và pháp lý của dự án để cân nhắc “xuống tiền”. Dự báo, thị trường BĐS trong trung và dài hạn sẽ sôi động trở lại”.
Ông Phan Dũng Khánh - Chuyên gia kinh tế