Vi phạm môi trường càng lớn, mức xử phạt càng cao
Môi trường - Ngày đăng : 19:59, 27/07/2021
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp |
Hiện nay, Dự thảo Nghị định này gồm 4 chương, 76 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này, bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung; các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật và bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn; Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; thu thập, quản lý, khai khác, sử dụng dữ liệu, thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường; Các hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường.
Các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ tiếp tục bị xử phạt |
Đại diện Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, các mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm được đưa ra trong dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên sự kế thừa của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời bổ sung các nội dung mới có tính tương thích với Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật như dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự thảo Nghị định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – dôn. Cùng với đó, cập nhật các quy định về xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường hải đảo; cập nhật các nội dung xử lý vi phạm về xả thải vào nguồn nước của pháp luật về tài nguyên nước; cập nhật nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Góp ý về dự thảo Nghị định, đại diện các đơn vị cho rằng, các mức xử phạt đưa ra cần đảm bảo tính công bằng đối với các hành vi vi phạm, đồng thời, phải thống nhất với các quy định của các lĩnh vực khác. Cần phân định rõ thầm quyền giữa các cơ quan và giữa các chức danh…
Ghi nhận các ý kiến này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Nghị định được xây dựng dựa trên các quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật; đồng thời cập nhật các quy định mới của Luật BVMT 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, tình hình mới.
Do vậy, Thanh tra Bộ phải phối hợp cùng các đơn vị rà soát lại các điều khoản được chuyển tiếp, thảo luận kỹ lưỡng các đề xuất mới về hình thức xử phạt và yêu cầu khắc phục đối với các hành vi vi phạm được quy định mới tại dự thảo Luật.
Theo Thứ trưởng, các quy định đưa ra phải có tính răn đe các hành vi vi phạm; cũng cho thấy tinh thần quản lý chuyển sang hậu kiểm là chính. Sẽ có các mức hình phạt tương ứng với từng mức độ hành vi, dựa trên nguyên tắc: vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao. Về mặt kỹ thuật, Dự thảo Nghị định cũng cần đưa ra các biện pháp, quy trình xử phạt rành mạch, dễ áp dụng.
Thứ trưởng yêu cầu, Thanh tra Bộ tiếp thu các ý kiến góp ý, nhanh chóng hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị định để trình Bộ trưởng vào ngày 29/7./.