Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Trong nước - Ngày đăng : 19:00, 27/07/2021
Kết quả trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Qua thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết cho việc bố trí vốn đối với những dự án trọng điểm quốc gia liên kết vùng để tạo động lực tăng trưởng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Đa số ý kiến tán thành và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các báo cáo được chuẩn bị kỹ, đánh giá khá toàn diện về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu cho rằng, đầu tư công đã góp phần rất quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Đặc biệt trong giai đoạn này, Chính phủ đã tập trung vốn, đầu tư hiệu quả những công trình, dự án ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi; các dự án đường cao tốc giai đoạn 2016 - 2020 phát huy hiệu quả rất tốt. Chính phủ cũng đã thực hiện rất quyết liệt với nhiều đổi mới trong đầu tưu công. Cơ cấu đầu tư cơ bản có chuyển biến tích cực, phân bổ vốn đầu tư đã tuân thủ thứ tự ưu tiên, đảm bảo hài hòa giữa các vùng miền, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư từng bước được cải thiện. Cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún, góp phần quan trọng trong phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân
Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đã tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện các kế hoạch đầu tư công; tiếp đó năm 2019 đã sửa đổi Luật Đầu tư công, góp phần làm cho việc đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đạt được kết quả tích cực hơn.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19, Quốc hội đã ban hành các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công chưa từng có tiền lệ, qua đó, phân cấp cho Chính phủ chủ động điều hành Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của năm và giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn đầu tư ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, đảm bảo sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách năm 2020 cao hơn nhiều với các năm trước, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân bình quân trong giai đoạn này lên đến 83,4%.
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. |
Những tồn tại, hạn chế của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công như: Đầu tư công giai đoạn vừa qua còn triển khai chậm, dàn trải, manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm; Vấn đề tách công tác giải phóng mặt bằng với tái định cư ra khỏi dự án đầu tư vẫn rất vướng mắc; nhiều dự án dở dang, chuyển tiếp từ giai đoạn trước; Việc thực hiện phân cấp, phân quyền còn bất cập, các dự án triển khai đều phải trải qua thủ tục rườm rà; Nhiều công trình đầu tư công không hiệu quả, sử dụng ít, dẫn đến không phát huy được hiệu quả như dự kiến; tình trạng lãng phí còn diễn ra phức tạp, hiệu quả đầu tư không cao…
Nêu rõ hạn chế liên kết vùng, phát triển vùng còn lỏng lẻo, một phần nguyên nhân là do hạ tầng giao thông đường bộ chưa thật sự thuận lợi để tạo điều kiện kết nối vùng, phát triển vùng, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Để thực hiện được mục tiêu này, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bố trí kế hoạch để hoàn thiện tuyến đường kết nối giữa Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, cần bổ sung bố trí vốn để kết nối giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện để các vùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh, cải thiện đời sống người dân.
Giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Đồng tình với ý kiến nêu trên, trong phiên thảo luận chiều 27/7, đa số các đại biểu đều kiến nghị KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 cần quan tâm đầu tư đến lĩnh vực xây dựng các tuyến đường giao thông, các dự án liên kết, phát triển vùng, các dự án đường ven biển, ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương miền núi phía Bắc và Tây Nguyên bởi giao thông quyết định sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, đề nghị bổ sung ưu tiên đầu tư cho các công trình kè biển và các dự án chống xâm ngập mặn liên vùng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bàn về giải pháp thực hiện KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế đầu tư công, khắc phục các hạn chế, bất cập như Chính phủ đã nêu, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, đồng thời cần khắc phục tình trạng giải ngân chậm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, rà soát nợ xây dựng cơ bản nhằm đảm bảo thanh toán dứt điểm và thu hồi toàn bố số vốn đã ứng trước. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư theo phương thức PPP.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đồng tình với nhiều giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai thời gian tới, trọng tâm là phát huy tối đa nội lực, huy động các nguồn lực của toàn xã hội, thu hút hợp lý các nguồn vốn ODA, tạo động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy, phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ cần quan tâm, giải quyết thấu đáo các vấn đề về thách thức, khó khăn mà đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác đang đối mặt, phát huy được thế mạnh, phù hợp định hướng phát triển lâu dài, tạo lan tỏa, động lực phát triển cho mỗi địa phương, từng vùng và cả nước. Bên cạnh đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, quan tâm đến chất lượng và kết quả quy hoạch, nhằm khắc phục hạn chế đầu tư công không hiệu quả thời gian qua. Quy hoạch vùng phải đảm bảo tính định hướng đúng cho sự phát triển, trong đó bào gồm đầy đủ các vấn đề như đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội thiết yếu, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới cho các ngành và các địa phương.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương có cơ sở thực hiện, tránh tình trạng chậm trễ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ NSNN và nguồn lực ngoài NSNN.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 25 đại biểu phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Nhiều nội dung được đề cập cần được giải trình, tiếp thu và bổ sung trong quá trình chuẩn bị xây dựng Nghị quyết.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, các đại biểu cho rằng giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện là bước đổi mới quan trọng trong quản lý vốn đầu tư công, tạo được khuôn khổ trung hạn để thực hiện đầu tư, nhờ đó khắc phục được một phần tình trạng phân tán, dàn trải, manh mún, hạn chế một bước được quyết định đầu tư nhưng không bố trí đủ nguồn, tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn đầu tư, quản lý nợ đọng và vốn ứng trước có tiến bộ, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện đầu tư công, góp phần nâng cao tỉ lệ giải ngân ở cuối nhiệm kỳ ở mức cao. Nhiều dự án, công trình quan trọng đi vào hoạt động, góp phần tạo đà tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận ở hội trường. |
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ lưu ý những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong chi đầu tư của ngân sách Trung ương không đạt so với kế hoạch và tỉ lệ giảm dần trong chi đầu tư chưa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực còn dàn trải, chưa gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, rất ít dự án PPP được triển khai, giải ngân đạt thấp, tình trạng thất thoát, tham nhũng lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu, định hướng, tổng số vốn, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giải pháp thực hiện của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ lưu ý phải có giải pháp đảm bảo nguồn thực hiện kế hoạch trên cơ sở giữ vững an toàn nợ công, quyết định đầu tư, triển khai dự án phải cân đối được nguồn thực tế hàng năm, tránh dàn trải, thiếu vốn, trong điều hành phải phấn đấu tăng thu, cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương để cấp vốn cho các công trình trọng điểm, liên kết vùng ở mức lan tỏa rộng làm động lực tăng trưởng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tính đến thời điểm hiện nay, gần hết năm đầu của thời kỳ kế hoạch nhưng còn gần 800 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư nên đề nghị Chính phủ tập trung công tác chuẩn bị đầu tư và xin phép Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án này trước khi Chính phủ giao kế hoạch. Chính phủ cần lưu ý đến đổi công tác mới quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: cần tập trung xử lý các dự án ODA tồn đọng qua nhiều nhiệm kỳ vì đội vốn kém hiệu quả kéo dài, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý vốn trong đầu tư công, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát quản lý vốn đầu tư công.
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký ghi âm, ghi chép đầy đủ, Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét, thông qua./.