Chủ động ứng phó “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh
Môi trường - Ngày đăng : 10:48, 27/07/2021
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh Covid-19 cấp huyện, xã mới đây, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn. Trên thế giới đã có những bài học về “thảm họa kép” thiên tai và dịch bệnh xảy ra. Gần đây nhất, tại Ấn Độ, cơn bão Tauktae đổ bộ ngày 17/5 đã làm 152 người chết và mất tích, gần 150.000 người phải đi sơ tán, cơn bão xảy ra tăng thêm áp lực cho chính quyền địa phương khi đang phải đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.
Lực lượng xung kích cơ động vật tư, phương tiện diễn tập khắc phục sự cố đê. |
Một ví dụ khác là trận lũ lụt kinh hoàng tại khu vực Tây Âu, chủ yếu tại Đức, Bỉ và Hà Lan vào giữa tháng 7/2021, nơi được công nhận là thành trì vững chãi nhất về phòng chống thiên tai, khiến cho gần 200 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và mất tích. Đây là trận lũ lụt lịch sử ở khu vực trong vòng 100 năm qua và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, mưa lớn nhiều ngày đã làm vỡ 2 đập ở khu vực Tây Bắc Nội Mông, còn ở tỉnh Hà Nam, ít nhất 12 người đã thiệt mạng, hơn 200.000 người phải sơ tán vì lũ lụt. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trận lũ chết người ở tỉnh Hà Nam là "vô cùng nghiêm trọng".
Nhận thấy tầm quan trọng của việc chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai trong bối cảnh Covid-19, tại Việt Nam, ngay từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt, cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hiện tượng sạt lở đất |
Để chủ động ứng phó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức nhiều khóa tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các buổi tập huấn sẽ giúp các địa phương chủ động xây dựng được kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19, tăng cường phát huy phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Quyền Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị - tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống, từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em. Trẻ em tiếp tục chịu sự tác động lớn của đại dịch Covid-19 do sự gián đoạn của việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virut. Theo UNICEF, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 trong thời gian giãn cách xã hội. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng cho trẻ em có thể dẫn tới tái xuất hiện một số bệnh mà vốn có thể kiểm soát được tốt như sởi, rubella hay bạch hầu. Bà Nguyễn Thị Thanh An hy vọng, Hội nghị sẽ tạo ra những tác động tích cực với mục đích cuối cùng là giúp cho người dân và trẻ em được an toàn nhất.
Lũ lụt gây thiệt hại cho người dân |
Tại Hội nghị, dưới góc nhìn của một chuyên gia y tế, Bác sĩ Nguyễn Công Sinh đã hướng dẫn chi tiết lực lượng xung kích cấp xã những lưu ý chung và theo từng giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, lực lượng xung kích cũng như người dân cần thực hiện đầy đủ các bước về khai báo y tế; chuẩn bị hóa chất, vật tư y tế dự trữ cho tình huống thiên tai; tăng sức miễn dịch cho cộng đồng phòng, chống Covid-19; chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu sơ tán.
Để bảo đảm không lây lan dịch bệnh khi phải sơ tán, cần bố trí các nhóm người vào nhiều khu hợp lý khác nhau như nhóm F1/nhóm nghi nhiễm, nhóm nguy cơ thấp, không có triệu chứng, sắp xếp ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền nghiêm trọng, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em, người tàn tật. Đặc biệt lưu ý về các vấn đề về vệ sinh, khử khuẩn, nước sạch và an toàn thực phẩm tại nơi sơ tán.
Bên cạnh đó, nhiều kiến thức hữu ích cũng được chia sẻ tại Hội nghị như: Công tác ứng phó phòng, chống thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Hướng dẫn chi tiết kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cho lực lượng xung kích địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; Hướng dẫn công tác thông tin truyền thông về phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong bối cảnh “thảm họa kép"…
|