Hà Nội bảo đảm vệ sinh môi trường trong những ngày giãn cách xã hội

Môi trường - Ngày đăng : 17:54, 26/07/2021

(TN&MT) - Là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, việc xử lý khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày đang là thách thức đối với Thủ đô Hà Nội. Nhất là trong lúc thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng tránh lây lan dịch bệnh từ rác thải sinh hoạt  và rác thải y tế là yêu cầu cấp thiết.

Sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế

Không ai phủ nhận sự tiện lợi và giá thành rẻ của đồ nhựa dung một lần, nhưng mặt trái và hậu quả của thức đồ này gây ra cho môi trường thì không phải ai cũng ý thức được. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, phần lớn đồ nhựa dung một lần không thể tái chế, không thể tiêu huỷ trong vài trăm năm.

Ấy thế mà, trong lúc thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa nhằm hạn chế tụ tập đông người, người dân Hà Nội chuyển sang mua hàng về nhà nhiều hơn, kéo theo đó là lượng túi ni - lông và đồ nhựa một lần được sử dụng nhiều hơn.

Nếu không được xử lý đúng cách, rác thải y tế có thể sẽ trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid –19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt. Trên địa bàn Hà Nội, tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế… sử dụng khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ được coi là vật bất ly thân của các bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe. Sự gia tăng chất thải y tế đang là gánh nặng trong công tác xử lý rác thải và bảo vệ môi trường Thủ đô.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, trước tình hình dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng như hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần được xem xét, có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, không thể xem đây là rác thải sinh hoạt thông thường mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh và cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại.
Việc thu gom và xử lý rác thải đối với khu vực này cần tuân thủ nghiêm các quy định nhằm đảm bảo an toàn. Cụ thể, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Đồng thời, phương tiện vận chuyển cũng phải khép kín, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Huy động tổng lực bảo vệ môi trường Thủ đô

Nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố và duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã huy động tổng lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc hướng dẫn người dân phân loại rác đến các khâu thug om, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các Sở Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, UBND các cấp và tất cả các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố phải vào cuộc.

Trong đó, Sở TN&MT phải phối hợp với Sở Y tế tiếp tục hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phân loaị, phân định chất thải có nguy cơ lây nhiễm và chất thải rắn sinh hoạt để đảm bảo công tác thug om, vận chuyện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; đảm bảo an toàn trong công tác tiếp nhận, xử lý tại các khu xử lý tập trung.

Rác thải phải được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định . Ảnh: Phạm Hùng.

Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, UBND thành phố giao Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra công tác thu gom vận chuyền, xử lý chất rắn thải sinh hoạt của UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị vệ sinh môi trường đảm bảo công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý vận hành tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung (Nam Sơn , huyện Sóc Sơn và Xuân Sơn , thị xã Sơn Tây); Thực hiện đúng các quy định trong công tác quản lý vận hành, công tác phòng chống dịch Covid - 19 tại các khu xử lý; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vệ sinh môi trường trong công tác tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại các địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chức năng, các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn duy trì thu gom, vận chuyên chất thải rắn sinh hoạt về các khu xử lý tập trung của thành phố, không để tồn đọng rác thải trên địa bàn; phối hợp Sở Giao thông vận tải và Công an Thành phố xây dựng, bố trí phân luồng xanh cho xe vận chuyển rác thải, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát các xe vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuyệt đối không để rơi vãi rác, nước rỉ rác trong quá trình thu gom, vận chuyển về Khu xử lý; Đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm phát sinh tại các khu cách ly y tế tập trung, cách ly tại nhà, nơi cư trú trên địa bàn thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường về chất thải có nguy cơ lây nhiễm, không thu gom vận chuyển và xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt….

Bên cạnh việc phân loại; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo đảm vệ sinh môi trường Thu đô, nhất là trong mùa dịch Covid-19, điều quan trọng là cần đẩy mạnh truyên truyền người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu phát sinh chất thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế theo đúng khuyến cáo….

Ngày 23/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh COVID-19. Trong đó, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép  xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

 

 

Phạm Oanh