Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,4%
Kinh tế - Ngày đăng : 17:02, 26/07/2021
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước ta |
So với thời điểm hết năm 2020, số lượng đô thị toàn quốc hiện tăng 5 đô thị loại V (đô thị Hóa Thượng, Thái Nguyên; xã Thanh Quang, Hải Dương; đô thị Long Đức Đông, Long An; xã Tân Khánh Trung, Đồng Tháp; xã Mỹ An Hưng B, Đồng Tháp). Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng khoảng 0,4%.
Đến hết tháng 6/2021, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%; trong đó, 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) và 19 đô thị loại I đạt khoảng 80 - 90%; tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40 - 50%. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng...
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%.
Tỉ lệ đô thị hóa tăng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không gian đô thị được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại, hạ tầng xã hội đô thị được đa dạng hóa, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Kinh tế đô thị tăng trưởng ở mức cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về đô thị, đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình là việc đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới. Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế...