Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ: Vị Xuyên - nơi hiển linh những anh hùng bất tử
Xã hội - Ngày đăng : 07:32, 25/07/2021
Đài Hương tưởng niệm các liệt sĩ Vị Xuyên Hà Giang, ảnh Phương Hoa |
Tìm mộ ba giữa đồi núi điệp trùng
Trước khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên phạm vi toàn quốc, tôi và ba người đồng đội hành trình lên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên Hà Giang – nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 1.700 liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17-2-1979 của thế kỷ XX. Để đến được nghĩa trang đặc biệt này, chúng tôi được một nữ nhà báo Phương Anh - một đồng nghiệp tình nguyện làm “hướng dẫn viên”.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên trước mắt chúng tôi sau hơn 2 ngày đêm hành trình không nghỉ bằng xe ô tô là một khu đồi rộng lớn bạt ngàn màu xanh điệp trùng đồi núi. Giữa “lòng chảo xanh” đó có một nghĩa trang xanh- nơi vĩnh hằng của 1.700 liệt sĩ và hơn 2.000 liệt sĩ khác mà xương cốt các anh đang nằm sâu trong lòng đất chưa được tìm thấy để qui tập.
Hơn 1.700 ngôi mộ liệt sĩ trong Nghĩa Trang Vị Xuyên đều sơn một màu trắng. Những ngôi mộ màu trắng đã có phần ngà ố - phần vì thời tiết, phần vì lớp bụi thời gian. Trong hơn 1.700 ngôi mộ ấy, nhiều ngôi mộ ghi “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Mỗi ngôi mộ đều cắm hoa sen và nén hương thơm khói bay thoang thoảng.
Đề thờ 1.700 Liệt sĩ Vị Xuyên, ảnh Phương Hoa |
Là người quản lý ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, ông Tạ Viết Tường chứng kiến hàng trăm cảnh đời éo le, hàng ngàn câu chuyện xúc động; tiếp xúc, gặp gỡ với hàng ngàn người vợ, người mẹ, anh, em liệt sĩ. Ông Tường không nhớ hết bao lần xúc động nghe những câu chuyện kể về tuổi thanh xuân của liệt sĩ trước khi hi sinh nằm lại nơi này. Ông cũng không nhớ được bao lần ông dẫn người thân của liệt sĩ đi khắp nghĩa trang để thắp hương; chỉ biết, phần mộ của ai, chôn cất ở vị trí nào ông đều nhớ rõ.
Ông Tường bảo, ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên có 1.700 ngôi mộ. Đây là “ngôi nhà chung” của các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống bành trướng phương Bắc năm 1979 và các năm 1984- 1989. “Nghĩa trang Vị Xuyên có một đài hương nhỏ được dựng lên để người thân liệt sĩ về thăm viếng cầu nguyện. Mỗi năm cứ đến dịp 17-2 và 27-7, có hàng ngàn người đến đây để viếng các liệt sĩ”- ông Tường cho hay.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Lợi và người em gái của anh đến tử Quảng Trị đi chậm rãi trước những hàng mộ mắt đăm chiêu tìm kiếm. Trước phần mộ nào anh cũng nhìn kỹ rồi ghi vào cuốn sổ nhỏ “vị trí của ngôi mộ nằm ở khu nào, dòng bao nhiêu”. Anh Lợi cho biết, bố anh hi sinh ở điểm cao cao điểm 772 giữa tháng 5-1984. “Ba tôi thuộc Sư đoàn 356 được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch có mật danh là MB84, đánh chiếm cao điểm 772. Trận đánh diễn ra một ngày, một đêm, ác liệt đến mức đã có tới hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có 592 người thuộc biên chế của Sư đoàn 356. Mấy chục năm, tôi vẫn chưa tìm thấy mộ ba tôi”- anh Lợi rưng rưng nước mắt.
Nghĩa trang vị xuyên |
Cũng theo anh Lợi, năm nào gia đình anh cũng lặn lội bắt xe đò từ Quảng Trị ra Nghĩa trang Vị Xuyên, vừa để tìm mộ ba anh. Nếu không tìm được thì thắp hương lên những ngôi mộ “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Bởi biết đâu, ba anh cũng đang nằm một trong nhiều ngôi mộ đó. “Chỉ cần biết chính xác xương cốt ba nằm ở đâu là được. Nếu xương cốt ba tôi đang nằm ở nơi nào đó lẫn trong đồi núi kia, thì đau lắm, biết bao giờ mà tìm thấy”- chỉ tay về phía những ngọn đồi bát ngát màu xanh, anh Lợi khóc.
“Sống hoá đá, chết bám đá, thành bất tử”
Những câu chuyện về liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Vị Xuyên nghe đã rất bi thương, nhưng có một lời thề, nghe thôi đã thấy nhói lòng. “Sống hoá đá, chết bám đá, thành bất tử” - lời thề của các chiến sĩ trong chiến dịch Biên giới Vị Xuyên ngày từ tháng 4- 1984 đến tháng 5-1989 của thế kỷ XX.
Dẫn chúng tôi vào Đài hương, nữ nhà báo Phương Anh chỉ vào phiến đá - nơi có ghi dòng chữ “Sống hoá đá, chết bám đá, thành bất tử”. Mắt chị rưng rưng bảo: “Nơi này, phiến đá này đã nhuộm máu đào của nhiều liệt sĩ. Hầu hết họ ở tuổi 20 trước lúc hi sinh”.
Lời thề “Sống hoá đá, chết bám đá, thành bất tử” của các liệt sĩ hiển hiện còn đây, ảnh tác giả chụp qua màn hình. |
Tôi chạm tay vào phiến đá – một cảm giác lành lạnh nhưng linh thiêng đến lạ kỳ. Ẩn khuất trong phiến đá đó là lời thề “Sống hoá đá, chết bám đá, thành bất tử” của 1.700 liệt sĩ. Lời thề đó bất tử suốt 42 năm qua và đời đời hậu thế.
Nữ nhà báo Phương Anh kể lại: Tháng 2-1979, hơn 60 vạn quân “phương Bắc” tràn sang xâm lược biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50 km. Chúng phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc, thị trấn. Ðặc biệt, trong một chiến dịch xâm lược quy mô lớn nhất từ tháng 4-1984 đến 5-1989, chúng đã lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 Đại quân khu, tấn công toàn diện biên giới Hà Giang, trong đó Vị Xuyên là nơi tập trung nã đạn. Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Ðồi Ðài, Cô Ích, Bốn Hầm trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Toàn bộ mặt trận Vị Xuyên lúc đó trải rộng trên 20 km2, trở thành vùng đất lửa với những địa danh khốc liệt như “đồi thịt băm”, “thác gọi hồn”, “lò vôi thế kỷ”, “ngã ba cửa tử”… Chiến sĩ trẻ nhất đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên lúc đó là người đã viết đơn tình nguyện ra trận khi mới 16 tuổi. Với sự can đảm và anh dũng phi thường, quân dân Việt Nam đã tiêu diệt, đánh và đuổi, buộc xâm lăng phải rút quân về bên kia biên giới. Tuy nhiên, những mất mát hy sinh của chúng ta cũng không hề nhỏ, nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Và cũng theo nữ phóng viên Phương Anh, trong đó hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên, chưa quy tập được hài cốt. “Hàng triệu quả đạn pháo dập xuống trong suốt 10 năm chiến tranh đã làm thay đổi địa hình, địa vật, vùi lấp nhiều tầng đất đá, khiến cho công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cực kỳ khó khăn. Những sườn núi đã phủ đầy cây cối xanh tươi nhìn từ cao điểm 468 này chính là một nghĩa trang rộng lớn của các liệt sĩ, hầu hết ở tuổi 20”- phóng viên Phương Anh chỉ tay về phía điểm cao 468, nói.
Bản hùng ca cho người nằm lại
Tối 23-7-2021, Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình “Cha tôi và đồng đội” trên kênh VTV1. Nội dung chương trình thêm một lần nữa khắc hoạ chân dung anh dũng, sự chiến đấu ngoan cường và hi sinh vì Tổ quốc của hàng ngàn người lính trẻ trên dải đất Vị Xuyên Hà Giang trong cuộc kháng chiến chống giặc “phương Bắc” xâm lược.
Trước nấm mộ đồng đội, ảnh Thanh Tùng |
42 năm – một khoảng thời gian khá dài để thay đổi mọi thứ. Vết bụi thời gian cũng làm lu mờ đi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào dĩ vãng, nhưng dường như đau thương chưa thể xoá nhoà trong trái tim của những người lính sống sót trở về trong trận chiến thảm khốc năm xưa. Vì thế cứ đến dịp 27-7 hằng năm, không hẹn mà gặp, họ lại đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên từ khắp mọi nẻo đường.
Có người còn nguyên vẹn, có cựu binh còn một chân, có nữ cựu binh còn một cách tay. Họ đến Vị Xuyên có chung một tâm tườn để thăm lại chiến trường xưa. Đến để nhìn lại nơi mà 42 năm trước họ và đồng đội đã cầm súng chiến đấu chống quân thù với lời thề “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”. Không chỉ có những người cựu chiến binh, mà cả người thân, vợ, con liệt sĩ. Họ đến để thắp nén hương tri ân và thêm một lần cảm nhận, 42 năm trước, bố, mẹ, chồng, cha của họ đã chiến đấu và anh dũng hi sinh trên mảnh đất này.
Các cựu binh trong cuộc chiến Vị Xuyên dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, ảnh tác giả chụp qua màn hình. |
Trong phảng phất hương trầm ngan ngát, lời ca “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” văng vẳng bên tai. Giọt nước mắt của người vợ liệt sĩ, khuôn mặt cựu chiến binh không kìm được xúc động khi thắp nén hương cho đồng đội.
Năm xưa các anh các chị cầm súng chiến đấu tiêu diệt xâm lăng trên chiến trường. Hôm nay các anh các chị đang chiến đấu chống lại “giặc Covid-19”- “Thứ giặc” vô hình không tiếng đạn bom. Và đó cũng chính là bản hùng ca cho những người nằm lại.