FAO hối thúc G20 đầu tư cho một hành tinh xanh tạo thực phẩm lành mạnh
Thế giới - Ngày đăng : 21:21, 23/07/2021
Một nông dân ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã được FAO đào tạo về nông nghiệp, công cụ và hạt giống. Ảnh: WFP / Arete / Fredrik Lerneryd |
Trong lời kêu gọi gửi các Bộ trưởng Môi trường G20, người đứng đầu Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhấn mạnh thách thức của việc phải sản xuất nhiều lương thực hơn trong khi giảm phát thải khí nhà kính. Ông nói: “Ngày nay, nhân loại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bộ ba về mất đa dạng sinh học, khủng hoảng khí hậu và tác động của đại dịch. Để có thực phẩm lành mạnh, chúng ta cần một môi trường lành mạnh”.
Cần giải quyết vấn đề khan hiếm nước
Ông Qu Dongyu nói về sự cần thiết phải giải quyết tình trạng khan hiếm nước, vốn ảnh hưởng đến hơn một tỷ người, bằng cách tăng cường hiệu quả và quản lý bền vững.
Gần một tỷ ha đất trồng trọt và đồng cỏ được tưới nước mưa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán tái diễn. Ông Qu cho rằng, những thách thức liên quan đến nước có thể được giải quyết thông qua đổi mới kỹ thuật số, giám sát tốt hơn và tăng cường đầu tư.
Khẳng định mức đầu tư hiện tại không đủ, Tổng Giám đốc FAO cũng kêu gọi đẩy mạnh các phương pháp tiếp cận thân thiện với đa dạng sinh học, bao gồm đầu tư nhiều hơn vào các hành động liên quan và làm chậm sự mất mát đa dạng sinh học.
Lợi ích kinh tế 1,4 nghìn tỷ đô la
Ông Qu nhấn mạnh rằng, việc ngăn chặn nạn phá rừng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh từ động vật sang người. Ông cũng cho rằng, lợi ích kinh tế của việc ngăn chặn mất đa dạng sinh học và suy thoái đất có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ đô la mỗi năm.
Theo ông, “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” được công bố gần đây, do FAO và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) dẫn đầu, mang đến cơ hội tuyệt vời để huy động các nỗ lực tập thể của chúng ta.
FAO đang kêu gọi hành động khẩn cấp để đảo ngược tỷ lệ mất đa dạng sinh học đáng báo động, khuyến nghị mở rộng các phương pháp tiếp cận và tăng cường hành động giảm thiểu trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp.
Ông Qu nhấn mạnh, công việc của FAO xuất phát từ sự cần thiết phải làm để các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, có khả năng phục hồi, bao trùm và bền vững hơn. Tất cả đều nhằm mục đích đạt được bốn tiêu chí, gồm: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng nhiều hơn, môi trường và cuộc sống tuyệt vời hơn và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thử thách công nghệ khắc nghiệt
Diễn đàn Lương thực Thế giới (WFF) vừa công bố khởi động một cuộc thi quốc tế hợp tác với Tổ chức phi lợi nhuận Extreme Tech Challenge (XTC) nhằm hỗ trợ và giới thiệu các doanh nhân khai thác công nghệ để thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững của các hệ thống nông sản thực phẩm, nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới.
Giải thưởng Sáng tạo Khởi nghiệp WFF sẽ được trao vào ngày 2/10 cho những thí sinh thành công, những người đã thành lập công ty phù hợp và đáp ứng được bốn tiêu chí trên.
Ông Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết, hạng mục cạnh tranh Extreme Tech Challenge AgTech, Food & Water đề cập trực tiếp đến sứ mệnh của FAO là “đánh bại” nạn đói trên toàn thế giới và đạt được an ninh lương thực chất lượng cao cho tất cả mọi người.
“Chúng tôi rất vui mừng được tham gia cùng XTC trong mối quan hệ đối tác này và thúc giục nhóm công ty khởi nghiệp chuyển đổi để tạo ra tác động quan trọng nhằm giải quyết thách thức toàn cầu”, ông Bechdol nhấn mạnh.
Hệ thống thực phẩm tập trung và bền vững
Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28/7/2021, trước Hội nghị thượng đỉnh lớn, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Hội nghị được tổ chức như một phần của Thập kỷ hành động để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Mục đích của hội nghị tới đây là tập hợp những người quan trọng trên thế giới liên quan đến các lĩnh vực khoa học, kinh doanh, chính sách, chăm sóc sức khỏe, học thuật… để khởi động các hành động mạnh mẽ. Những hành động này nhằm hướng tới sự tiến bộ dựa trên tất cả 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, mỗi mục tiêu đều dựa vào mức độ lành mạnh hơn, hệ thống lương thực bền vững và bình đẳng hơn.