Hà Tĩnh: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng về việc làm nhà tránh bão, lũ
Môi trường - Ngày đăng : 10:45, 22/07/2021
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Đức Hợi (ảnh) - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh để hiểu rõ hơn vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết vấn đề cần thiết của việc nâng cao nhận thức cộng đồng về việc xây dựng nhà tránh bão, lũ trong phòng, chống thiên tai ở Hà Tĩnh?
Ông Ngô Đức Hợi:
Với một tỉnh có điều kiện tự nhiên và khí hậu bất thuận, trong khi cơ sở hạ tầng cho phòng chống thiên tai, lũ, lụt còn hạn chế đã gây nhiều thiệt hại lớn cho người dân. Chỉ riêng tháng 10/2020, Hà Tĩnh hứng chịu hai trận mưa lớn kéo dài, khiến 42.456 hộ dân thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn bị ngập lụt từ 0,5 - 3 m, đặc biệt là vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ như Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP. Hà Tĩnh.
Mưa lũ đã làm 6 người thiệt mạng, hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết. Hơn 6.980 ha lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; 3.765 nhà ở bị hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.300 tỷ đồng.
Ông Ngô Đức Hợi |
Xác định sống chung với thiên tai nên nhiều người dân vùng rốn lũ Hà Tĩnh đã trang bị cho mình những phương thức ứng phó lâu dài. Trong đó, việc xây dựng nhà ở kiên cố có chạn (gác) cao để tránh lũ đã xuất hiện từ lâu và là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Từ thực tiễn công tác ứng phó và hiệu quả của các mô hình nhà tránh lũ, vượt lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với nhà tránh lũ và xây dựng nhà ở kiên cố có tính đến phương án tránh lũ cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025, mỗi xã thường xuyên bị ngập lụt ở Hà Tĩnh sẽ xây dựng được 1 đến 3 nhà phục vụ cộng đồng tránh trú lụt, bão trên cơ sở nâng cấp các nhà văn hóa thôn xóm, trụ sở, trường học hoặc xây dựng mới từ nguồn lực xã hội hóa.
Trước tình hình đó, ngày 18/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
PV: Việc triển khai xây dựng nhà tránh bão, lũ ở Hà Tĩnh thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Đức Hợi:
Sau cơn lũ lịch sử cuối tháng 10/2020, thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở, đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa nguồn kinh phí được hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở kiên cố cho người dân.
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh trú bão, lũ |
100% kinh phí xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mức hỗ trợ mỗi nhà văn hóa là 2 tỷ đồng và nhà ở là 70 triệu đồng đối với làm mới, 30 triệu đồng đối với các nhà cải tạo, sửa chữa.
Nhìn chung, những công trình nhà văn hóa cộng đồng và nhà tránh trú bão cho người dân ở Hà Tĩnh được thiết kế tiện ích, sau khi hoàn thành đẹp mắt, đảm bảo yêu cầu “2 trong 1”. Bình thường có thể làm chỗ vui chơi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhưng khi có mưa lũ thì làm nơi trú ẩn hoặc sử dụng để đồ đạc giúp người dân yên tâm hơn khi mùa mưa lũ đến.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc xây dựng nhà tránh bão, lũ ngày càng phát huy hiệu quả, lâu dài?
Ông Ngô Đức Hợi:
Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng trong đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, trong đó chú trọng “3 chính”: (phòng là chính, 4 tại chỗ là chính, dựa vào dân và chính quyền cơ sở là chính).
Cũng chính vì vậy, những công trình nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ và nhà ở tránh lũ đang được khẩn trương xây dựng ở Hà Tĩnh đã hiện thực hóa niềm mong chờ của nhân dân; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt cho nhân dân vùng lũ.
Năm 2021, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, Hà Tĩnh đã triển khai đầu tư 25 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh bão, lũ và 2.503 nhà ở cho hộ dân với tổng kinh phí 197,3 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã hoàn thành 10/25 nhà văn hóa, số còn lại phấn đấu đưa vào sử dụng muộn nhất trong tháng 9/2021.
Theo tôi, để đạt được yêu cầu nhà ở tránh bão, lũ hoạt động hiệu quả khi đi vào sử dụng, về lâu dài cần phải xem xét, tính toán lựa chọn phù hợp với từng địa phương, phù hợp với từng gia đình và phù hợp cả văn hóa, chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.
Riêng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ phải đảm bảo được yêu cầu là nơi trú ẩn an toàn cho người dân khi bão, lũ xảy ra và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Có nghĩa là bình thường làm chỗ vui chơi, sinh hoạt văn hóa, nhưng khi có mưa lũ thì làm nơi trú ẩn an toàn cho người dân. Còn đối với nhà cố định, ngoài sử dụng thường xuyên, trong điều kiện các cột mốc lũ lịch sử càng ngày càng thay đổi, càng ngày càng cao lên thì làm thế nào cho tối đa hiệu quả sử dụng phải được cân nhắc và thiết kế phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!