Điện Biên... Khát vọng chuyển mình - Bài 1: Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Xã hội - Ngày đăng : 10:38, 22/07/2021

(TN&MT) - Đại hội Đảng bộ Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết thúc trung tuần tháng 10/2020. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới với hy vọng Nghị quyết của nhiệm kỳ này sẽ tạo ra một “cú hích” đột phá, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mảnh đất giàu nghị lực mà lịch sử đã chứng minh. Và từ Đại hội này, Điện Biên cũng xác định rõ vai trò  nguồn lực đất đai.

Từ chủ trương đúng, cách làm đúng…

Chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hội tụ đầy đủ 4 yếu tố: vai trò lãnh đạo của Đảng; sức mạnh đoàn kết các dân tộc; sự đồng thuận của nhân dân và mục tiêu kinh tế. Trong đó, mục tiêu tổng quát về kinh tế của Điện Biên được đề ra trong nhiệm kỳ này là: Đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; Quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, Điện Biên làm gì để “tạo đột phá trong phát kinh tế - xã hội” và làm thế nào để “phát triển nhanh và bền vững?”. Trong khi, Điện Biên là một tỉnh miền núi, xuất phát điểm về kinh tế thấp, trên 90% ngân sách tỉnh phụ thuộc vào Trung ương. Khó khăn là vậy… song, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn tin tưởng vào tập thể Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ nhiệm kỳ này sẽ có hướng đi mới và kỳ vọng vào sự đột phá mới.

Thành phố Điện Biên Phủ và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ chụp từ trên cao.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên, BCH Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Những Chương trình hành động này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp… để Điện Biên đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra trong nhiệm kỳ. Đồng thời, đây cũng là một trong những cơ sở nền tảng để nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ động, sáng tạo của tập thể, của người đứng đầu các cấp.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chuyên đề. Bước đầu nghị quyết đặt ra chỉ tiêu, từ đó từng bước xây dựng các giải pháp, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đặc biệt xây dựng các quy chế, chính sách khi triển khai từng Nghị quyết. 

Trên cơ sở 10 Chương trình hành động, tính đến hết tháng 4/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã thông qua 4 Nghị quyết chuyên đề, gồm: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới; nhiệm vụ Quốc phòng - an ninh giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài 10 Chương trình hành động và các Nghị quyết chuyên đề, sẽ có những đề án phát triển kinh tế thuộc lĩnh vực ngành. Đặc biệt, đối với 2 ngành tỉnh Điện Biên xác định là ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch và nông nghiệp… gắn liền với kết cấu hạ tầng giao thông và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đó là những việc mà ngay sau Đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh Điện Biên thực hiện ngay đầu nhiệm kỳ.

Đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh Điện Biên đề ra, quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu ấy, đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách, phân công nhiệm vụ, ban hành cơ chế... Đặc biệt, nêu cao vai trò của người đứng đầu trong khâu tổ chức thực hiện. Cùng với đó là việc giám sát những nội dung dễ mắc sai phạm.

… và tổ chức, thực hiện đúng

Để Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Điện Biên thực sự đi vào đời sống, mang lại no ấm cho dân thì rõ ràng, Đảng bộ tỉnh Điện Biên, vừa phải có chủ trương đúng, cách làm đúng… Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức, thực hiện.

Đường về no ấm.

Nhưng làm thế nào để khâu tổ chức thực hiện được vận hành một cách trơn tru, bài bản, cụ thể, hiện thực hóa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội? Theo ông Lò Văn Muôn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên, (nhiệm kỳ 2016 - 2021), để thực hiện tốt Nghị quyết Đảng bộ, cần phải xét đến 4 yếu tố: Vai trò người đứng đầu; Năng lực của cán bộ chuyên môn giúp việc; Ban hành chính sách đúng, trúng và tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện. Trong đó, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng, quyết định đến việc thành bại khi triển khai tổ chức, thực hiện Nghị quyết. Năng lực, trình độ chuyên môn tư duy, hành động và cái tâm trong công việc. 

Vai trò của người đứng đầu thể hiện rất rõ ở năng lực lãnh đạo, phân công nhiệm vụ; khả năng lôi cuốn các thành phần trong xã hội, các cấp, các ngành, các chính quyền địa phương vào cuộc; tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia. Công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết phải đi đôi với xây dựng cơ chế, chính sách. Đặc biệt đề cao vai trò người đứng đầu, ngoài việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thì cần phải làm tốt công tác dân vận - tuyên truyền; tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám sửa sai.. Nếu cán bộ tâm huyết, có chuyên môn tốt… tuyên truyền dân sẽ nghe và sẽ hiểu ngay. Khi họ hiểu rồi thì họ sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia.

Rõ ràng, ai cũng mong muốn làm ra thật nhiều của cải vật chất, ai cũng muốn có cuộc sống ấm no, đủ đầy và hạnh phúc… Vậy thì không hà cớ gì họ lại không đi theo con đường no ấm đó. Điều quan trọng là con đường đó phải đúng, đủ tin cậy thì dù đích đến có chông gai, họ cũng sẽ vượt qua...

Thái độ cầu thị, tinh thần vượt khó, ý chí quật cường của nhân dân đã được chứng minh trong lịch sử, qua các cuộc kháng chiến trường kỳ… Song, vấn đề cốt lõi là  cán bộ tuyên truyền làm sao để dân nghe theo, làm theo…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên đặt ra chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ: Từ nay đến các năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 16,42%; công nghiệp - xây dựng 21,35% và các ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ trên 59,92%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều từ 30,67% năm 2020 xuống còn dưới 16% năm 2025. 100% xã có đường ô tô đi lại quanh năm; 98% hộ dân được sử dụng điện lưới. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 10 - 12%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,5% và tổng thu từ ngành du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.

Đơn cử như việc tuyên truyền người dân chuyển đổi cây trồng, thì đó là cây gì, chuyển đổi như thế nào… Và việc chuyển đổi đó phải gắn liền với mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu. Từ vùng nguyên liệu đó, địa phương phải tạo thành những sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu Điện Biên, cung cấp thường xuyên cho thị trường và nâng cao chất lượng lên thành sản phẩm theo chuỗi an toàn được xác nhận, sản phẩm OCOP. Có như vậy mới nhân rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao đời sống của người dân từ thực hiện chuyển đổi cây trồng..

Tựu trung lại, ngoài giỏi về chuyên môn, nếu cán bộ không tâm huyết và không làm tốt công tác dân vận thì rất khó. Cần phải nói rõ thêm, công tác dân vận không đơn thuần dành riêng cho Ban Dân vận… mà còn có dân vận Đảng, dân vận chính quyền, nhà nhà làm dân vận, người người làm dân vận. Chỉ khi làm tốt công tác dân vận thì mọi việc mới được dân ủng hộ, nghe theo và làm theo.

Nghị quyết không phải là những gì xa xôi mà là những gì thuộc về đời sống của dân. Cho nên cần một sự đồng lòng. Tất cả các khâu đều phải vận hành một cách trơn tru, có trách nhiệm, có tổng kết rút kinh nghiệm và sửa sai để làm tốt hơn cho những lần sau. Điều quan trọng nữa là cần phải biết dựa vào các nguồn lực mà một trong những nguồn lực được Điện Biên xác định, đó là: nguồn lực đất đai.

Bài 2: Xây dựng nguồn lực từ đất đai...

Trần Hương