Rà soát cơ chế chính sách để xây dựng nhà vệ sinh công cộng đô thị đạt chuẩn Asean

Môi trường - Ngày đăng : 20:51, 21/07/2021

(TN&MT) - Chiều 21/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Cuộc họp trực tuyến nghe Tổng cục Môi trường báo cáo việc thực hiện Thông báo số 78/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về đề xuất dự án nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn quốc tế và Asean.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh chụp màn hình

Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, thời gian qua, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng Dự thảo Chỉ thị về tăng cường các giải pháp nhà vệ sinh công cộng ở đô thị và dự thảo tờ trình về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp về nhà vệ sinh công cộng ở đô thị.

Theo dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cần đánh giá tác động, mối liên hệ của ô nhiễm từ việc phóng uế, sử dụng nhà vệ sinh không đúng quy định đến bệnh tật, sức khỏe cộng đồng và công bố; đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm; rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu nhằm điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh; tổ chức thực hiện Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bộ TN&MT rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đất đai theo hướng ưu đãi, hỗ trợ về cho thuê, mượn đất đối doanh nghiệp đầu tư các công trình công ích theo hướng khuyến khích xã hội hóa; hướng dẫn thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà vệ sinh công cộng; rà soát, sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và triển khai nhân rộng các mô hình và công nghệ nhà tiêu hợp vệ sinh chi phí thấp, đáp ứng tiêu chí điện, nước, xả thải, mỹ quan, hiện đại và văn minh đô thị. Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết quỹ đất xây dựng, vị trí, địa điểm, cấp giấy phép liên quan, giấy tờ pháp lý cụ thể về đầu tư, vận hành và quản lý nhà vệ sinh công cộng.

UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát. Xây dựng, lắp đặt công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về BVMT. Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội và các Hiệp hội, doanh nghiệp tham gia xây dựng và vận hành nhà vệ sinh công cộng cần tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhà tiêu cho phí thấp, xử lý phân, phân bùn thải; nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân về kỹ thuật nhà tiêu cho phí thấp, kỹ năng kinh doanh và tiếp thị vệ sinh; xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ vệ sinh, nhà vệ sinh công cộng chi phí thấp cho người dân; tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các nhà vệ sinh công cộng tại khu vực đô thị.

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Góp ý tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Nguyễn Thạc Cường đề xuất, trong dự thảo Chỉ thị, cần rà soát, xem lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo tiêu chuẩn của Asean. Đồng thời, cần điều chỉnh, sắp xếp lại nội dung hoạt động của các Bộ ngành lên trước, còn hoạt động của UBND các tỉnh, thành phố xuống dưới. Theo đó, trong dự thảo tờ trình cũng cần bổ sung nội dung tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng của Asean trong phần thực trạng nhà vệ sinh trên thế giới. Ngoài ra, cần có các quy định hoạt động của nhà vệ sinh và việc kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí của Asean về thiết kế, hệ thống quản lý môi trường, tiện nghi và cơ sở vật chất, sạch sẽ và an toàn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, để thực hiện hiệu quả, việc đánh giá thực trạng nhà vệ sinh hiện nay cần đi sâu về đánh giá cơ chế chính sách như: cơ chế chính sách về đất đai trong việc cho thuê, giao đất; về nguồn lực đầu tư, quy hoạch đô thị, đặc biệt là các cơ chế trong việc xây dựng, vận hành nhà vệ sinh công cộng. Bổ sung thực trạng Nhà vệ sinh công cộng ở trường học, bệnh viện, bến xe, nhà ga,... Về nội dung đánh giá thực trạng quy định kỹ thuật, cần chỉ rõ các bất cập so với tiêu chuẩn quốc tế và Asean.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, một trong những giải pháp quan trọng là rà soát, xây dựng chính sách pháp luật, trong đó, có quy chuẩn, tiêu chuẩn theo các tiêu chuẩn của Asean. Đồng thời, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ nhà hoạch định chính sách, nhà quy hoạch, lãnh đạo các cấp đến người dân; cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc tổ chức, quản lý thực hiện.

Ngoài ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường làm viêc với các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam để hoàn thiện dự thảo theo hướng tăng cường các giải pháp về nhà vệ sinh công cộng ở đô thị. Trên cở sở đó, Tổng cục Môi trường khẩn trương hoàn thiện dự thảo để trình Bộ gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.

Hoàng Ngân