Hải Dương: Công điện về phòng chống dịch Covid – 19
Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 21/07/2021
Nội dung Công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; Giám đốc các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 như sau:
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2597/UBND-VP ngày 17/7/2021 về việc tiếp tục áp dụng một số biện pháp bổ sung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và điều chỉnh thời gian cách ly y tế.
Hải Dương kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa bàn tỉnh |
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan (Quân đội, Y tế, Giao thông, tình nguyện viên…) kiểm soát chặt chẽ toàn bộ người và phương tiện ra vào tỉnh. Yêu cầu, người vào tỉnh Hải Dương (bao gồm người từ tỉnh khác và người Hải Dương từ tỉnh khác trở về) phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS- CoV-2 trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trừ các trường hợp đặc biệt. Người Hải Dương trở về hoặc người tỉnh khác có lý do chính đáng, cần thiết phải vào tỉnh Hải Dương nếu không có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại Chốt, nếu âm tính mới được vào tỉnh.
Người Hải Dương trở về từ vùng dịch (nơi đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc các biện pháp tương đương) phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo qui định. Đối với người ở tỉnh khác đến từ vùng dịch thì từ chối tiếp nhận vào tỉnh, nếu có lý do chính đáng vào tỉnh thì phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo qui định. Người dân không ra khỏi nhà từ 22h ngày hôm trước, đến 5h ngày hôm sau nếu không có việc thực sự cần thiết. Không tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc.
Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế và vị trí giáp ranh với các tỉnh lân cận thành lập các chốt B và bố trí đủ lực lượng kiểm soát người ra, vào tỉnh đảm bảo nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh.
Các dịch vụ không thiết yếu: Ngoài các dịch vụ đang dừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch của UBND tỉnh bổ sung thêm: đóng cửa vườn hoa, công viên, các quán ăn đường phố, các quán ăn dọc hai bên quốc lộ.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch.
Đối với, Sở Y tế: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kịch bản phòng chống dịch COVID-19 sát, phù hợp với tình hình mới, xác định cấp độ, tình huống dịch; xây dựng Kế hoạch chi tiết, các kịch bản về nhân lực, vật tư y tế, trang thiết bị chống dịch, xét nghiệm, cơ sở điều trị, đơn nguyên hồi sức tích cực… chủ động ứng phó với tình hình, diễn biến dịch bệnh xấu nhất có thể xảy ra… Chủ động đề xuất mua sắm vật tư, sinh phẩm để đáp ứng công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh định kỳ 5 ngày/lần để đảm bảo an toàn. Chỉ đạo xét nghiệm, sàng lọc tất cả các trường hợp sốt, ho, khó thở trong cộng đồng để kịp thời phát hiện sớm mầm bệnh (nếu có) để chủ động đưa ra phương án khoanh vùng nhanh, dập dịch triệt để. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt giá xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS- CoV-2 để triển khai thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 21/7/2021. Trong thời gian chờ UBND tỉnh ban hành đơn giá xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tạm thời áp dụng mức thu theo Tờ trình Liên ngành số 302/TTrLN-SYT-STC ngày 19/7/2021 là 210.500 đồng/mẫu/lần (Hai trăm mười nghìn, năm trăm đồng/mẫu/lần)…
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, củng cố, sửa chữa các khu cách ly tập trung để siết chặt quản lý các trường hợp F1, người về từ vùng có dịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Các doanh nghiệp (cả trong và ngoài khu công nghiệp) trên địa bàn tỉnh phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc..., xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên tối thiểu cho 20% người lao động tại doanh nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ bằng test nhanh kháng nguyên. Đối với các doanh nghiệp nằm trong khu vực có nguy cơ cao, Ban Chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ bằng phương pháp Realtime-PCR...
Sở Giao thông vận tải tạm dừng, giãn, hoãn vận tải hành khách, hoạt động của các bến phà, bến khách ngang sông để không lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; thực hiện hướng dẫn phân luồng vận tải xanh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và của tỉnh. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị vận chuyển hành khách công cộng, đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, giao hàng; chỉ đạo công tác vận chuyển người và hàng hóa liên tỉnh; bố trí sắp xếp các tuyến vận tải từ các tỉnh qua các tuyến quốc lộ, không dừng trên địa bàn tỉnh.
Sở Công thương chỉ đạo việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kịch bản chi tiết hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm trên địa bàn khi dịch bệnh xảy ra để chủ động ứng phó với diễn biến xấu nhất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản; phối hợp Sở Công thương đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa tới hệ thống phân phối đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân trên địa bàn.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về công tác phòng, chống dịch; tăng thời lượng tuyên truyền về các qui định phòng, chống dịch tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các văn bản của tỉnh về diễn biến tình hình dịch bệnh. Sở phải thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh để các địa phương, người dân kịp thời nắm bắt, tránh gây hoang mang dư luận; xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức có những phát ngôn, thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch; ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động…