Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: “Sống xanh” giữa biển khơi

Xã hội - Ngày đăng : 12:12, 20/07/2021

(TN&MT) - Mỗi lần đi biển thực hiện nhiệm vụ hoặc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, ngoài bảo đảm tốt công tác an toàn người và vũ khí trang bị kỹ thuật, các tàu chiến đấu của Lữ đoàn 171 Hải quân đều chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường với tinh thần “tàu sống xanh, bộ đội sống khỏe, môi trường lành mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao”.

Tàu sống xanh, bộ đội sống khỏe

Đồng hành với công tác huấn luyện chiến đấu khối tàu săn ngầm của Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân 55 năm qua là công tác bảo vệ môi trường biển và đại dương xanh, sạch. “Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn xây dựng ý thức trách nhiệm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong việc bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ môi trường biển cho các loài hải sản sinh tồn. Bảo vệ môi trường biển xanh, cũng chính là bảo vệ không gian sinh tồn của bộ đội” - Đại úy Mai Công Long, Thuyền trưởng tàu 18 cho biết. 

Lữ đoàn 171 Hải quân là đơn vị tàu mặt nước chống ngầm, có nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu thắng lợi, cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Do các tàu chiến đấu của Lữ đoàn được sản xuất từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, một số hạng mục trang bị kỹ thuật, nhất là những trang bị kỹ thuật như phần điện chạy ngầm, thân, vỏ tàu đã “xuống cấp”, qua nhiều lần sửa chữa, khôi phục, cải hoán. Một số thiết bị kỹ thuật thay thế hoặc lắp mới không đồng bộ đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện SSCĐ tại bến và quá trình huấn luyện SSCĐ ngoài biển xa, hạn chế trong quá trình bảo quản, kiểm sửa và sử dụng. Bởi vậy, việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị tàu là điều kiện khách quan. Tuy nhiên, sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng phải gắn liền với bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm, không làm ảnh hưởng đến không gian sinh tồn của các loại thủy sinh trên biển, không tác động đến chất lượng sống, huấn luyện SSCĐ của bộ đội là một bài toán không dễ, nhất là tàu hoạt động độc lập ngoài biển xa, hoặc sửa chữa, thay thế các trang thiết bị tại nhà máy.

Tàu 18 tại cảng

Trước thực tế ấy, cán bộ, chiến sĩ các tàu xác định: “Cùng với nâng cao chất lượng nền nếp chính quy mẫu mực trong công tác kỹ thuật”, phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Lấy bảo vệ môi trường làm “điều kiện không thể thiếu” “đi kèm” với bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các hạng mục mỗi đợt sửa chữa.

Trước yêu cầu đặt ra, mỗi lần các tàu đi sửa chữa tại nhà máy, người lao động, công nhân sửa chữa tàu đều chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. “Từ khâu gõ rỉ, sơn vỏ tàu đến lau chùi bảo quản đều xử lý theo đúng quy định môi trường. Gõ rỉ tàu cũng cần ý thức để tránh tiếng ồn lớn. Sơn vỏ tàu theo đúng quy trình khép kín, không phát tán bụi sơn ngoài phạm vi ụ tàu. Quá trình sửa chữa, tàu ở trên ụ hoặc đậu trên mặt nước, nên truyệt đối không được vứt dẻ lau, xả nước rỉ bẩn, các thiết bị làm hại môi trường xuống biển. Đó là quy định nghiêm ngặt được đặt ra mỗi lần có tàu đến ụ sửa chữa” - Đại tá Trần Văn Giáo, nguyên cán bộ phụ trách công tác kiểm định tàu biển cho biết.

Màu xanh trong khuôn viên Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân

Bên cạnh thực hiện nghiêm các quy trình bảo vệ môi trường ngay tại ụ sửa chữa tàu, mỗi khi hành quân đi làm nhiệm vụ trên biển như bắn đạn thật, hoặc huấn luyện chiến đấu, các tàu đều thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường sống. “Đối với tàu chiến đấu 159 của Lữ đoàn 171, việc giữ gìn môi trường trong sạch, lành mạnh luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, mỗi lần các tàu đi thực hiện nhiệm vụ bắn đạn thật trên các vùng biển, đảo; các vật liệu như dầu, mỡ, khăn, dẻ lau chùi bảo quản vũ khí trang bị; chai nhựa, vỏ sửa khi dùng xong đều được gom lại đem về đất liền xử lý. Việc làm thiết thực này đã góp phần làm cho biển sạch hơn, môi trường sống trên tàu xanh hơn, nhưng quan trọng hơn là xây dựng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ có ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường mọi lúc mọi nơi, mọi nhiệm vụ” - Đại úy Mai Công Long cho biết.

Đồng hành với xây dựng nền nếp chính quy trong công tác bảo đảm kỹ thuật của khối tàu chiến đấu của Lữ đoàn 171 trong 55 năm qua là xây dựng nếp sống xanh cho cán bộ, chiến sĩ. Nếp sống xanh ấy đã, đang và mãi lan tỏa, nhân rộng trong toàn bộ Lữ đoàn, và nó đã thực sự trở thành nhu cầu tất yếu trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong môi trường quân sự.

Bảo vệ môi trường là kỷ luật

Để tiếp tục khơi dậy ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, nhiều năm qua, các tàu chiến đấu 159, 159AE thuộc Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân luôn quán triệt tốt nhiệm vụ “chính quy mẫu mực” trong nhiệm vụ bảo quản bảo dưỡng tàu gắn với “bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp”.

Để thường xuyên “khơi dậy” tinh thần thái độ và trách nhiệm yêu tàu, yêu vũ khí trang bị kỹ thuật trên tàu gắn với ý thức bảo vệ môi trường sống, Phòng Kỹ thuật đã xây dựng kế hoạch, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn làm tốt công tác giáo dục “Yêu quý vũ khí trang bị, yêu tàu, yêu biển, đảo của Tổ quốc” đồng hành với “bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ”; Gắn kết quả “bảo quản bảo dưỡng” với xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của mỗi tập thể, cá nhân.

Các chiến sĩ tàu săn ngầm cùng người dân địa phương dọn vệ sinh môi trường bờ biển 

Ở tàu 15 do Trung tá Cao Anh Tuấn làm Thuyền trưởng, trong nhiều năm qua, đồng hành với xây dựng nền nếp chính quy mẫu mực trong công tác kỹ thuật, tàu luôn làm tốt công tác giáo dục ý thức trách nhiệm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong bảo vệ môi trường sống. Trong bất kỳ nhiệm vụ nào, dù huấn luyện trong bờ hay ngoài biển, cán bộ, chiến sĩ đều tuân thủ các các quy định bảo vệ môi trường. Trong khuôn viên tàu, bố trí các thùng đựng rác thải theo từng loại. Sau một ngày huấn luyện học tập, trực ban đi thu dọn thùng rác xử lý theo quy định. Khi tàu làm nhiệm vụ ngoài biển, các loại rác thải được dồn dịch vào bao tải, chở về đất liền phân loại xử lý. Khi bảo quản, sơn, gõ rỉ vỏ tàu hoặc lau chùi các loại vũ khí trang bị, dẻ lau, chổi quét đều xử lý theo đúng quy định của ngành kỹ thuật. Ngoài ra, tàu cũng tăng cường cho cán bộ, chiến sĩ trồng các loại cây xanh trên cầu cảng, những chậu hoa nhỏ xinh ở lan can, hoặc mũi tàu, vừa để tạo nên môi trường xanh, vừa tạo ra cảnh quan môi trường sạch sẽ, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.

Gắn bó gần 20 năm với tàu 11 anh hùng, Thiếu tá Lê Văn Cường, được coi là “chuyên gia” thu dọn rác thải tâm sự: “Ở tàu chiến đấu vốn thường xuyên tiếp xúc với sắt thép trong một không gian có hạn, vì vậy, việc xây dựng ý thức thói quen cho mỗi cán bộ, chiến sĩ “nếp sống xanh” chính là góp phần làm môi trường không ô nhiễm. Nếp sống xanh ấy không xa lạ, mà là hành động thiết thực mỗi ngày như không xả rác thải, hạn chế dùng đồ nhựa, không xả thải ra biển. Nếp sống đẹp ấy ai cũng có thể làm được”.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

Bài và ảnh: Mai Thắng (Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân)