Đổi mới chính sách đất đai: Đảm bảo điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất
Đất đai - Ngày đăng : 10:19, 20/07/2021
Nhiều kết quả nổi bật
Theo Phó Tổng Cục trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ, trong 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương triển khai thực hiện; một số đề án, dự án lớn đã cơ bản hoàn thành để trình theo quy định; việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến trước, trong và sau Kỳ họp Quốc hội được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; các báo cáo phục vụ lãnh đạo Bộ làm việc với các Bộ, ngành, địa phương được chuẩn bị đầy đủ; kịp thời chỉ đạo, kiểm soát tình trạng sốt đất ở một số địa phương, các biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở, góp phần phát triển kinh tế và trật tự xã hội...
Bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai. |
Cụ thể, về Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng cục đã dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW theo chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, Tổng cục đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết này gửi Ban Kinh tế Trung ương.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Kế hoạch tổng kết; Bộ đã hoàn thành Đề cương tổng kết gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện.
Tổng cục tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng về quy hoạch, chiến lược sử dụng đất gồm: Lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập Kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia kỳ đầu 2021- 2025; Dự án xây dựng chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Về đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, Tổng cục đã chỉ đạo, chấn chỉnh các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn các địa phương thực hiện đánh giá đầy đủ và toàn diện về tình hình hoạt động và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai để chuẩn bị các nội dung phục vụ cho Hội nghị Văn phòng Đăng ký đất đai toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Cả nước đã đo đạc, lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai.
Chú trọng cải cách thủ tục hành chính đất đai
Phó Tổng Cục trưởng Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục phấn đấu hoàn thành 100% văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tiến độ đề ra; ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, tổ chức thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, tổ chức thực hiện theo kế hoạch các nội dung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Tổ chức thực hiện theo kế hoạch các nội dung về Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất sẽ xây dựng chiến lược sử dụng đất; quy hoạch, cân đối và phân bổ hợp lý quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại cần phải cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo tinh thần của Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về việc cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình về tình hình thành lập và hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai.
Tổ chức chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2020 định kỳ theo quy định và thực hiện công tác kiểm kê đất đai chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đối với sân golf; các cảng hàng không; sân bay dân dụng; đất của đồng bào dân tộc, các tổ chức tôn giáo theo kế hoạch được duyệt.
Duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.
Hiện cả nước đã có 527/705 đơn vị cấp huyện và 7.300/10.599 đơn vị cấp xã đã và đang thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, với hơn 42 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai dạng giấy đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng. 90 huyện thuộc 14/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, liên thông, trao đổi thông tin điện tử giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên và môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.