Petrovietnam khẩn cấp, quyết liệt ứng phó các tình huống của dịch bệnh Covid 19

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 18:12, 19/07/2021

(TN&MT) - Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu từ lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên chủ động phối hợp, nhận diện, đánh giá các thách thức, rủi ro gửi về Tập đoàn để xây dựng các gói giải pháp chung để kịp thời xây dựng các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sản xuất thông suốt và sức khỏe cho người lao động.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam và trên cả nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên, sáng Chủ nhật ngày 18/7/2021, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp, rà soát công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình SXKD của các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến với 11 điểm cầu trên cả nước.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo nhanh của các đơn vị cho biết: Các đơn vị đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp ứng phó từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, áp dụng "ba tại chỗ" cho các cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên các công trình dầu khí; tổ chức, vận động người lao động tiêm vắc-xin khi có thể theo các nhóm ưu tiên, đảm bảo an toàn, sản xuất không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, đặc biệt từ sau khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam, hoạt động SXKD của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, thị trường.

Trong đợt bùng phát vừa qua, các đơn vị đã chủ động triển khai thực hiện phương châm “Ba tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ, đối với người lao động trực tiếp tại các công trình dầu khí, nhà máy, dự án, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, công trình dầu khí, góp phần ngăn dịch lây lan, quan trọng hơn hết là không để dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất. 

11 điểm cầu tại cuộc họp trực tuyến ngày 18/7/2021

Một số đơn vị triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra như: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), kể từ ngày 1/6/2021 đến nay, đã thực hiện khoanh vùng an toàn bậc 1 (Zone 0) cho CBNV Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cách ly để bảo vệ khu vực điều hành trọng yếu cho toàn bộ hệ thống khí cả nước. Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam được xác định là “Vùng đảm bảo an toàn tuyệt đối” – Zone 0 trong mức an toàn công trình khí. Và trong hàng rào ngăn cách 24/7, cuộc sống làm việc vẫn diễn ra liên tục, đề cao trách nhiệm và sự hy sinh cho dòng năng lượng quốc gia. Đây là sự kiện chưa từng có, thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch bệnh trên toàn TP HCM và trong PV GAS. 8 lãnh đạo và nhân sự của Trung tâm Điều độ Khí thực hiện chia ca làm việc, sống tách biệt theo thời gian biểu “trực chiến” với việc chấp nhận rất nhiều thay đổi gò bó và thử thách, khi vẫn đảm bảo guồng công việc căng thẳng, có nhiều phát sinh biến động trong mùa dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Nhận thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành các giàn khoan, công trình dầu khí ngay từ những ngày đầu dịch bệnh mới xuất hiện, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó khẩn cấp với những tình huống có thể xảy ra. Đối với PVEP quyết định quan trọng nhất chính là việc không tiến hành đổi ca thường xuyên cho các cán bộ, kỹ sư, người lao động trên các giàn khoan, công trình dầu khí. PVEP tạm dừng đưa người ra các công trình để kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa đối với việc không quá cần thiết. Các nhân sự đổi ca được yêu cầu có mặt tại Vũng Tàu trước khi ra giàn 7 ngày và sẽ tiến hành test RT-PCR trước khi đi giàn 1 ngày. Cá biệt như dự án Bir Seba (Algeria) do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan mà hơn 1 năm qua, các cán bộ biệt phái tại dự án đã không đổi ca, vẫn tiếp tục bám trụ.

Với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các Nhà máy, cơ sở sản xuất trong tình hình mới, các Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng nâng mức độ phòng chống dịch với việc cách ly tập trung cho toàn bộ nhân lực vận hành, bảo dưỡng tại chỗ, đảm bảo hoạt động SXKD thông suốt trong bối cảnh thị trường phân bón đang khan hàng, sốt giá... Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC quán triệt nguyên tắc “nhiều vòng nhiều lớp” từ nhà máy đến nhà công vụ để không bỏ sót bất kỳ mối nguy nào. Từ khi dịch bệnh diễn biến trở lại và có phần phức tạp hơn, Ban lãnh đạo Công ty đã sớm chủ động lập phương án phòng vệ với nhiều kịch bản chặt chẽ. Còn Nhà máy Đạm Phú Mỹ, vận hành nhà máy theo chế độ Level 2 được ban hành. Chế độ vận hành đặc biệt này được áp dụng ngay từ ngày 1/6.

 

 

Thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đặc biệt tổ chức khu vực an toàn cho hệ thống điều độ khí

Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) thiết lập quy trình “bong bóng” làm việc - sinh hoạt khép kín, đảm bảo cho nhân sự vận hành NMLD Dung Quất an toàn với đại dịch. Theo đó, hơn 1.000 nhân sự vận hành sản xuất và các ban chức năng thuộc khối Nhà máy sau mỗi giờ làm việc theo ca kíp tại Nhà máy sẽ được phục vụ ăn uống (ăn sáng lúc 7h và ăn tối lúc 19h) tại căng tin rồi trở về khu sống tập trung nghỉ ngơi, được bố trí trong văn phòng nhà máy. Tất cả sinh hoạt của các nhân sự chủ lực được gói gọn khuôn viên Khu hành chính Nhà máy; không ai được ra khỏi khu vực Nhà máy trong vòng 21 ngày hoặc đến khi có thông báo mới.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị,Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, lần bùng phát dịch này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo rõ: Yêu cầu từ lãnh đạo Tập đoàn tới các đơn vị thành viên chủ động phối hợp, nhận diện, đánh giá các thách thức, rủi ro và gửi về Ban Kinh tế Đầu tư Tập đoàn (đầu mối) để tổng hợp, xây dựng các gói giải pháp chung; các đơn vị tăng cường thế mạnh, chủ động tìm các nguồn vắc-xin để tiêm cho người lao động (chia theo các nhóm ưu tiên, tập trung cho những người trực tiếp lao động, sản xuất); xây dựng phương án phối hợp cụ thể khi có trường hợp F0 tại các công trình dầu khí, để kịp thời xây dựng các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo sản xuất thông suốt và sức khỏe cho người lao động. Đặc biệt tập trung nguồn lực cho khối E&P và sản xuất, dịch vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để ứng phó các tình huống xấu tại các công trình, dự án, nhà máy, giàn khoan… Cùng với đó là  đảm bảo tiêu thụ sản phẩm, thị trường; Tập đoàn làm việc với các Bộ, ngành hỗ trợ đơn vị lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Tập đoàn và các đơn vị cần có sự chia sẻ, phối hợp; vận dụng tối đa chuỗi giá trị, chia sẻ vật tư, thiết bị, tồn kho.

“Ba tại chỗ” của  Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam; nhiều chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, đứt gãy... hoạt động dầu khí trên Biển Đông cũng gặp phải không ít khó khăn; nhiều điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cho hoạt động dầu khí chậm được đổi mới, tháo gỡ; qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Vượt lên những khó khăn, thách thức đó, nhờ việc kiểm soát tốt công tác an toàn, phòng, chống dịch bệnh, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong công tác quản trị điều hành, tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới và giá dầu tích cực, Petrovietnam đã bám sát kế hoạch, diễn biến tình hình thị trường, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ chính được giao. Nổi bật là tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Đại dịch Covid-19 đang hàng ngày diễn biến phức tạp, nhiều dự án, công trình, tòa nhà, văn phòng của Petrovietnam và các đơn vị thành viên nằm trên địa bàn có ca mắc covid- 19, đặc biệt là địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, các tỉnh ở miền Đông nam Bộ… với sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động của Ban lãnh đạo Petrovietnam, sự đồng lòng và hy sinh thầm lặng của toàn thể người lao động Dầu khí, chắc chắn Petrovietnam từng bước vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành vượt mức toàn diện các kế hoạch được giao.

Thách thức còn rất nhiều ở phía trước, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, giá dầu biến động khó lường, đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch cả năm. “Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết, các đơn vị cần đoàn kết, đặc biệt là các đơn vị trong chuỗi giá trị cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành kế hoạch được giao”, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Sông Thương