Cao Bằng: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch trong mùa dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 17:00, 17/07/2021
“Đìu hiu” khách du lịch
Công ty TNHH Sài Gòn - Bản Giốc tăng cường kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với khách du lịch đến và đi. |
Mặc dù tỉnh Cao Bằng là địa phương chưa có dịch, nhưng hoạt động các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là ngành du lịch tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát. Là đơn vị kinh doanh các lĩnh vực: du lịch, nhà hàng, khách sạn, hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Sài Gòn – Bản Giốc gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách du lịch giảm mạnh, doanh thu của Công ty giảm từ 70 – 80% so với những năm trước.
Ông Phạm Thái Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Bản Giốc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của Công ty giảm mạnh. Song, Công ty vẫn cố gắng duy trì đảm bảo mức lương nhân viên từ 4,5 – 4,6 triệu đồng/tháng và đóng đầy đủ bảo hiểm để họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, Công ty vẫn đóng đầy đủ các loại chi phí như: điện, nước, môi trường, bảo hiểm xã hội…, nên gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn là vậy, nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh.
Công tác vệ sinh môi trường trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 luôn được Công ty TNHH Sài Gòn – Bản Giốc xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. |
Đối với hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong mùa dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, Công ty TNHH Sài Gòn - Bản Giốc đã thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; kiểm tra thân nhiệt, trang bị khẩu trang, nước rửa tay khô cho du khách. Yêu cầu khách đến nhà hàng, khách sạn phải khai báo y tế bằng mã QR Code; khử trùng phòng trước và sau khi đón khách…, đảm bảo các điều kiện an toàn cho người lao động và khách du lịch.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn - Bản Giốc Phạm Thái Hưng cho biết thêm, Công ty luôn xác định công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch, đặc biệt trong mùa dịch bệnh Covid-19. Công ty thường xuyên vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây cỏ, khử khuẩn khu vực nhà hàng, khách sạn; ký hợp đồng với đơn vị xử lý rác thải để thu gom, xử lý rác thải 2 lần/tuần. Các nhân viên ở từng bộ phận hằng ngày tổ chức vệ sinh, từ bãi đỗ xe, điểm đón khách, lễ tân, khối khách sạn, nhà hàng…, đảm bảo môi trường an toàn trong phòng chống dịch bệnh và môi trường hoạt động kinh doanh.
Thời điểm này lượng khách du lịch giảm đáng kể, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn hoạt động cầm chừng để duy trì, vượt qua khó khăn. |
Bảo vệ môi trường - hướng tới nền du lịch xanh, bền vững
Trong mùa dịch bệnh Covid-19, xác định công tác BVMT đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, tỉnh Cao Bằng đã đề ra nhiều giải pháp BVMT, góp phần tạo cảnh quan và hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững.
Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết, để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Hiện, các khu di tích được bố trí, lắp đặt các biển báo, cụm pano, khẩu hiệu “Bỏ rác đúng nơi quy định”, “Giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường” để tuyên truyền công tác BVMT với người dân và du khách. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức BVMT cho cán bộ, người lao động.
Người lao động tại Ban quản lý các Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng thường xuyên vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, bóng mát tại các khu di tích. |
“Để đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, Ban quản lý các Di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã bố trí các thùng đựng rác ở vị trí thuận tiện cho khách bỏ rác, thu gom rác thải đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon trong khu di tích. Ban quản lý sắp xếp, bố trí 16 lao động thường xuyên làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan, bóng mát, môi trường thân thiện. Hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải, vận chuyển đến nơi quy định để xử lý; không thực hiện biện pháp đốt, chôn lấp rác thải trong các khu di tích. Xây dựng, bố trí các nhà vệ sinh công cộng trong khu di tích luôn đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường để kịp thời xử lý… Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Ban quản lý sẽ thực hiện các gói kích cầu du lịch để du khách biết và đến với tỉnh Cao Bằng nhiều hơn”. Ông Đào Văn Mùi chia sẻ.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn
Dịch Covid-19 đã và đang trực tiếp ảnh hưởng rất lớn, tác động xấu đến đời sống của nhân dân cũng như nền kinh tế, xã hội của cả nước, trong đó, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cao Bằng bày tỏ, do đại dịch Covid-19 trong nước bùng phát với diễn biến phức tạp, các nhà hàng, khách sạn, homestay phải hoạt động cầm chừng để duy trì kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Thời điểm này, chúng tôi mong muốn Trung ương và tỉnh Cao Bằng có những chính sách hỗ trợ những đơn vị, tổ chức làm du lịch như: giảm hoặc giãn thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất…, để doanh nghiệp sớm vượt qua thời gian khó khăn này.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong mùa dịch Covid-19. |
Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng phối hợp với Sở Công thương Cao Bằng rà soát danh sách các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch để trợ giảm tiền điện; chỉ đạo đơn vị trực thuộc Sở VH,TT&DL phối hợp để nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cho các đơn vị kinh doanh du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tạo ra các gói kích cầu du lịch thực sự hiệu quả. Sở VH,TT&DL tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng những phương án, kịch bản, kế hoạch triển khai kích cầu du lịch, dịch vụ phù hợp với tình hình, điều kiện địa phương.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã và đang ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch của tỉnh Cao Bằng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Cao Bằng, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cần chủ động linh hoạt, năng động và đa dạng loại hình kinh doanh để duy trì tồn tại vượt qua khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ, tạo ra các gói kích cầu du lịch thực sự hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có gần 300 cơ sở lưu trú du lịch; 8 công ty và các chi nhánh lữ hành đăng ký hoạt động. Năm 2020, tỉnh Cao Bằng đón 617.665 lượt khách du lịch, giảm 60,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó, khách quốc tế 12.011 lượt, giảm 93,5% so với cùng kỳ; khách nội địa 605.654 lượt, giảm 55,6% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 78,115 tỷ đồng, giảm 83,7% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng đạt 19%.
6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt 330.880 lượt, tăng 44,5% so với cùng kỳ (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1.380 lượt, giảm 86,8% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt 329.500 lượt, tăng 50,8% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 47 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng đạt 18%.
|