Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Môi trường - Ngày đăng : 16:43, 15/07/2021

(TN&MT) - Ngày 15/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 cho 63 tỉnh, thành phố và trên 40 đơn vị cấp huyện, xã trong cả nước.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại chương trình tập huấn

Dự Chương trình tập huấn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và kết nối trực tuyến đến Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố.

Chủ động ứng phó “thảm họa kép”

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, thời gian gần đây, thiên tai diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Đặc biệt, năm 2020, thiên tai ở nước ta diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước; nhiều tình huống thiên tai nghiêm trọng như bão chồng bão, lũ chồng lũ, lũ quét, sạt lở đất đồng thời xảy ra ở khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác phòng, chống thiên tai sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp. Trên thế giới cũng đã có những bài học về “thảm họa kép” thiên tai dịch bệnh xảy ra. Điển hình nhất là tại Ấn Độ, cơn bão rất mạnh Tauktae đổ bộ ngày 17/5 đã làm 152 người chết và mất tích, gần 150.000 người phải đi sơ tán, cơn bão xảy ra gây áp lực hơn cho chính quyền địa phương khi đang phải đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh Covid19.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, ngay từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Tại Hội nghị về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai việc rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu hướng dẫn các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thanh An phát biểu tại chương trình tập huấn

Bà Nguyễn Thanh An, Quyền Trưởng chương trình chính sách xã hội và quản trị Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống, từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em. Theo đánh giá nhanh của UNICEF, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 trong thời gian giãn cách xã hội. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng cho trẻ em có thể dẫn tới tái xuất hiện một số bệnh mà vốn có thể kiểm soát được tốt như sởi, rubella hay bạch hầu.

Mặt khác, bà Nguyễn Thanh An nhấn mạnh, thiên tai và tác động của biến đối khí đã trở thành gánh nặng kép làm trầm trọng hơn tác động của Covid-19 đối với các hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có trẻ em thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Cụ thể, hạn hán nghiêm trọng và xâm nhập mặn tại 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nước sạch cho hầu hết các nhóm dân số thiệt thòi như gần 100.000 hộ gia đình thiếu nước uống và nước sinh hoạt an toàn trong đợt hạn hán năm 2020. 1/3 trường học tại những khu vực này không có nước sạch.

“Tất cả những yếu tố này thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực hành vệ sinh của các hộ gia đình và trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp và nghiêm trọng hơn” bà Nguyễn Thanh An nói.

Kế hoạch cần quan tâm đến giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai

Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Hướng dẫn chi tiết kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Hướng dẫn công tác thông tin truyền thông về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong bối cảnh Covid-19… Đồng thời, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề được quan tâm.

Việc xây dựng kế hoạch truyền thông phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 trước hết phải xác định thông tin đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai. Ảnh minh họa

Theo các đại biểu, việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 trước hết phải xác định thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Cùng với đó, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai và dịch bệnh trong khu vực (thông báo về các điểm tránh trú an toàn, chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà); chuẩn bị vật dụng cần thiết phòng trường hợp phải sơ tán khi có thiên tai (khẩu trang, đồ ăn, nước sát khuẩn...).

Chuyên gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai của UNICEF Việt Nam Lý Phát Việt Linh cho hay, trước thiên tai cần lưu ý công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó kịp thời như chuẩn bị phương án ứng phó 4 tại chỗ kết hợp với việc thực hiện 5K và chiến lược về vaccine phòng Covid-19.

Trong thiên tai, người dân cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp an toàn trong phòng chống thiên tai và Covid-19 như luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn...

Giai đoạn phục hồi sau thiên tai, người dân cần thực hiện việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch; tiếp tục quan tâm đến việc truy vết đối tượng mắc Covid -19, rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch...

Bác sĩ Nguyễn Công Sinh, Nguyên Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế chia sẻ, khi xây dựng kế hoạch cần quan tâm đến giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai như điều chỉnh kế hoạch phù hợp với bối cảnh thực tiễn; bổ sung dự trữ phương tiện, vật tư; đào tạo, huấn luyện, tập huấn; tăng cường truyền thông; tăng sức miễn dịch cộng đồng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid -19, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cần có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng; danh sách các tổ và phương án thay thế, bổ sung nhân sự, danh sách đối tượng yếu thế, các trường hợp F0, F1, F2, khai báo y tế và phương án đi chuyển đến khu sơ tán, khu cách ly y tế; sơ đồ bố trí khu sơ tán, khu cách ly, kho, các công trình, danh sách các phương tiện huy động, nhu cầu huấn luyện, đào tạo, tập huấn, diễn tập; nhu cầu bổ sung vật chất (số lượng, chủng loại); dự toán kinh phí...

Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nhân Nghĩa khẳng định, ban đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch Covid -19 phù hợp với điều kiện thực tế gửi các sở, ngành, các quận... Hiện ban cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc nỗ lực phòng chống dịch bệnh và chủ động các phương án phòng tránh trước mùa mưa bão.

Thanh Tùng