Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT: Tâm huyết của các nhà khoa học

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:36, 15/07/2021

(TN&MT) - Bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; cấp giấy phép môi trường, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải rắn…là những nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học tích cực góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020.

Sáng ngày 15/7, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo. Hơn 40 điểm cầu của các chuyên gia, nhà khoa học tham dự và đóng góp ý kiến.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chủ trì Hội thảo

Nhiều vấn đề mới, khó được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã được hoàn thiện gồm 13 chương 197 điều và các Phụ lục. Nhiều điểm mới trong Luật BVMT 2020 đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định này.

Cho rằng Nghị định này là cơ sở quan trọng để Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 và được thực thi ngay vào cuộc sống, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đây là Nghị định có dung lượng lớn, đồ sộ, với nhiều vấn đề mới và khó, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng Luật và hiện nay là Nghị định, Bộ TN&MT đã nhận được sự chung sức, chung lòng, chung ý chí, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường.

Từ đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT đã được xây dựng đúng với tinh thần của Luật BVMT, kết hợp cả khoa học và thực tiễn. Chia sẻ rõ hơn về những điểm mới của dự thảo Nghị định này, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin, trong quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung được Luật giao về BVMT nước, không khí, đất và BVMT di sản thiên nhiên.

Về phân vùng môi trường, Dự thảo Nghị định quy định việc phân vùng môi trường đối với các khu vực địa lý tự nhiên có yếu tố nhạy cảm về môi trường thành các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác. Quy định cụ thể việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch tỉnh để từ đó đưa ra định hướng BVMT đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải.

Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các chiến lược, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường thuộc đối tượng phải đánh giá môi trường chiến lược.

Về tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư: Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết từng nhóm tiêu chí về môi trường. Dự thảo Nghị định cũng quy định danh mục các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phân loại theo 03 mức công suất: lớn, trung bình và nhỏ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ TN&MT

Về ĐTM, Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết về tham vấn trong thực hiện ĐTM trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về đối tượng, hình thức tham vấn thông qua tổ chức họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư; lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định một số trường hợp tham vấn đặc thù. Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về hình thức tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan thường trực thẩm định. Quy định trách nhiệm của chủ dự án đầu tư trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án trước khi vận hành trong trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.

Giấy phép môi trường là một trong các nội dung mới của Luật BVMT 2020. Với các quy định được Luật giao, dự thảo Nghị định tập trung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường; việc thẩm định, cấp giấy phép môi trường thực hiện thông qua hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra theo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Nhiều ý kiến tâm huyết

Góp ý về dự thảo Nghị định này, đại diện các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đều ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo khi đã thể chế hóa cụ thể nhiều nội dung mới của Luật BVMT 2020. “Dự thảo Nghị định đã bám sát tinh thần của Luật, xác định rõ trách nhiệm quyền hạn của các tổ chức, cá nhân, đề cao vai trò của địa phương trong bảo vệ môi trường” - bà Trần Thị Hải – Giám đốc Chương trình phát triển bền vững của WWF nói.

Bà Trần Thị Hải – Giám đốc Chương trình phát triển bền vững của WWF phát biểu góp ý

Đề xuất ý kiến về một số nội dung trong dự thảo Nghị định, bà Hải cho rằng, trong mục bảo vệ môi trường nước mặt, cần bổ sung thêm các nguồn sinh ra như: rừng đầu nguồn, lưu vực sông suối, rừng ngập mặn. Trong bảo vệ môi trường đất, bổ sung thêm các giải pháp về che phủ rừng, sử dụng các loài cây bản địa…Trong bảo vệ môi trường không khí, ghi nhận thêm các nguồn phát sinh khí thải như lọc hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất khí than. Bởi các yếu tố đất – nước – không khí có tác động qua lại nên cần có quy định đánh giá tổng thể, trên cơ sở đó, có quy định để khắc phục tổng thể.

Về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, theo bà Hải, chính sách chi trả dịch vụ hệ sinh thái là một trong những nguồn tài chính quan trọng để bảo vệ di sản thiên nhiên. Về quả lý chất thải, tất cả các nguồn chủ thải đều phải có trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải.

Bày tỏ quan tâm đặc biệt đến cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), bà Hải cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất là trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vì vậy phải có chính sách để tránh tình trạng xử lý chất thải bằng công nghệ tái chế thấp. Trong vấn đề này, tính công khai minh bạch, sự tham gia của các bên rất quan trọng, bởi thế, kết quả tái chế cần đc kiểm toán độc lạp, và mức phải nộp vào Quỹ bảo vệ môi trường cần được công khai.

Ông Đỗ Thanh Bái – Hội Hóa học Việt Nam góp ý dự thảo Nghị định

Cũng quan tâm đến nội dung bảo vệ các thành phần môi trường, ông Đỗ Thanh Bái – Hội Hóa học Việt Nam nhận xét, Danh mục 6 về các loại hình hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm còn còn thiếu một loại hình, cần phải bổ sung như: xử lý chất thải nguy hại, các doanh nghệp hóa chất sản xuất sơn, mực in, pin mặt trời, pin sạc. Đối với kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phải thể hiện được những hành động của cơ quan quản lý và chủ nguồn thải. Ông Bái cũng lưu ý, việc cấp Giấy phép môi trường là một quy định mới, song cần quy định thủ tục đơn giản, hợp lý để không trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Về khoảng cách an toàn môi trường với khu dân cư, theo ông Bái, đây là một khái niệm khó định lượng. Theo đó, phải đánh giá được rủi ro để xác định được khoảng cách này và cần sự đồng bộ, kết hợp của nhiều Bộ để xác định được khoảng cách phù hợp.

Cũng về cơ chế EPR, ông Bái đề xuất, nên lồng ghép chặt chẽ với nền kinh tế tuần hoàn và hạn chế nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. “Nếu không siết chặt nhập khẩu phế liệu thì không giải quyết được rác thải trong nước, đặc biệt là nhựa và giấy. Điều này cần động viên doanh nghiệp hướng vào công nghệ tái chế để thực sự EPR có hiệu quả” – ông Bái nói.

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam phát biểu

Có ý kiến về giấy phép môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, giấy phép môi trường là quy định mới ở Việt Nam nhưng không mới với nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Tùng đề xuất việc cấp giấy phép môi trường sau khi doanh nghiệp đã có thiết kế chi tiết các công trình bảo vệ môi trường; sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp mới triển khai xây dựng các công trình và chịu sự giám sát của thanh tra.

Theo dự thảo Nghị định, cơ quan cấp phép là Bộ TN&MT, UBND tỉnh và huyện. Ở ba cấp này, cần có mẫu hồ sơ, quy trình thủ tục được đơn giản hóa phù hợp ở các cấp để thuận lợi trong thực hiện.

Tiếp thu ngay ý kiến này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, thủ tục cấp giấy phép môi trường cần rõ ràng, đơn giản, có quy định phù hợp ở mỗi cấp có thẩm quyền cấp. Các biểu mẫu cần được chỉnh sửa lại để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan soạn thảo cũng sẽ xác định rõ thời điểm cấp giáy phép môi trường thích hợp.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT, bảo đảm sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống./.

Tống Minh