Bao giờ các dòng sông hết bị đầu độc?
Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 15/07/2021
Đơn cử, sông Mã đoạn chảy qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa), nhiều ngày nước đổi màu đen và bốc mùi hôi tanh bất thường. Ô nhiễm dai dẳng khiến gần 60 tấn cá lồng chết, 159 hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại. Các loài thủy sản tự nhiên khác trên sông cũng chết, thiệt hại không thể đo đếm được. Nước sông ô nhiễm còn khiến Nhà máy nước sạch thị trấn. Phong Sơn (huyện Cẩm Thủy) nhiều ngày phải ngừng hoạt động, ngừng cấp nước sạch cho người dân.
Hay tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình), từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2021, lượng mưa ít, mực nước sông Đà xuống thấp, cùng với đó là thời tiết nắng nóng đã gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu ôxy trong nước làm cá chết hàng loạt, bao gồm cá tự nhiên và cá nuôi lồng của các hộ dân, tập trung ở 6 xã Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa. Tổng số cá chết tại các xã trên hơn 33 tấn, chủ yếu là các loại cá quý, nuôi lâu năm, cân nặng từ 3 kg trở lên.
Gần đây nhất, trên sông Cổ Cò (đoạn chảy qua địa phận thành phố Đà Nẵng) từ 6h sáng ngày 9/7/2021, khoảng 1 km mặt nước nổi đầy cá chết, trôi dạt từ cầu Võ Chí Công về cầu Biện, nơi đang thuộc phạm vi Tiểu dự án 1 “Nạo, vét thoát lũ khẩn cấp” trên sông. Cá chết trên sông Cổ Cò ước khoảng 1,5 tấn.
Cá chết trắng trên sông Cổ Cò ngày 9/7 |
Nhiều xóm chài, điểm nuôi cá lồng của người dân các huyện ven sông đã lâm vào kiệt quệ, bất lực và tuyệt vọng khi chứng kiến cá trong lồng lần lượt chết mà không có cách nào cứu vãn. Ở các làng chài, kế sinh nhai của dân cũng bị tước mất vì không chỉ tôm, cá mà ngay cả con hến, con cua trên sông cũng chết la liệt, bốc mùi hôi thối dưới đáy sông. Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai, việc đền bù thiệt hại như thế nào và nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân sống dọc hai bên bờ sông ra sao? Câu trả lời vẫn còn "lơ lửng".
Cá không chỉ chết trên những dòng sông, hồ đập lớn, mà còn có hiện tượng cá chết tại những con suối trong trẻo quanh năm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân vùng Tây Nguyên.
Không khó để điểm mặt chỉ tên hàng loạt các cơ sở chế biến lâm sản, các dự án đang thi công là “thủ phạm” đầu độc các dòng sông. Các loại hóa chất (xút, lưu huỳnh...) dùng để chế biến lâm sản, ngâm ủ bột giấy, sử dụng vào các công đoạn làm giấy đều rất độc. Nhưng nước thải mang đầy hóa chất chưa qua xử lý cứ thản nhiên thải ra sông, cả ngang nhiên và thông qua các đường ống ngầm, trá hình; có các hệ thống cảnh báo khi cơ quan chức năng đến kiểm tra; hoặc vận hành xả thải vào đêm.
Vì lợi ích riêng của mình mà các doanh nghiệp đã bất chấp sự sống của dòng sông và cuộc sống an toàn của người dân, thử hỏi người có lương tâm có cho phép làm điều đó hay không?
Nhiều người dân sống dọc các con sông, suối, ven hồ đang đặt ra câu hỏi: Vì sao những doanh nghiệp sản xuất, những dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao vẫn được các địa phương cấp phép hoạt động? Những dự án này có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Số tiền “bèo bọt” mà các doanh nghiệp nộp phạt có khắc phục được ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái các dòng sông và đe dọa sự an toàn của dân hay không?
Bao giờ thôi nghịch lý sống bên sông nhưng không có nước để dùng? Khi nào những dòng sông, con suối hết bị đầu độc và ô nhiễm? Khi nào những bệnh vi phạm nan y này có “thuốc” để đặc trị dứt điểm? Câu hỏi này chỉ có các cơ quan chức năng cấp tỉnh mới đủ sức trả lời.