Quảng Nam: Chuyển động công nghiệp sạch để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 15/07/2021
Công nghiệp – đòn bẩy phục hồi kinh tế
Trong khi ngành du lịch dịch vụ vẫn chưa thể phục hồi do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 thì ngành công nghiệp tại Quảng Nam đang có sự đột phá và phục hồi mạnh mẽ, tăng 33,4% so với cùng kỳ. Chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 30%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 66,5%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020….
Các KCN tại Quảng Nam tuân thủ nguyên tắc “5K” vừa đảm bảo phòng dịch, vừa sản xuất kinh doanh. |
Sự tăng trưởng của công nghiệp đang dẫn dắt tăng trưởng chung toàn ngành kinh tế tại Quảng Nam, tiếp tục từng bước trở thành động lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh trong trạng thái “bình thường mới”.
Vì thế, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tình hình kinh tế của Quảng Nam 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 11,7%, đây là mức tăng cao trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Với con số này, Quảng Nam là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 so với cả nước và cao nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỉnh Quảng Nam xác định tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, thiết bị điện tử… tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các hiệp hội ngành nghề để hợp tác, hỗ trợ phát triển sản xuất.
Công nghiệp chế tạo đang trở thành động lực tăng trưởng kinh tế ở Quảng Nam |
Hướng đến xây dựng các KCN sinh thái
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trước tình hình các dòng vốn đầu tư công nghiệp từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, phấn đầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng các Khu công nghiệp (KCN) để xúc tiến, kêu gọi các nhà máy lớn, đặc biệt là các nhà máy công nghệ cao, giảm thiểu tác động đến môi trường gắn với thúc đẩy đô thị hóa, thương mại - dịch vụ, đóng góp ngân sách lớn.
Dự kiến toàn bộ diện tích công nghiệp khu vực phía Đông khoảng 4.000 ha, đồng thời sẽ xem xét lập thêm quy hoạch KCN mới ở phía tây đường cao đốc trên địa bàn huyện Núi Thành để mở rộng thêm 2.000-3.000ha khu công nghiệp tại vị trí này.
Ông Thanh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam và Quảng Nam nói riêng phải chịu thiệt hại nặng nề. Để phục hồi nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, địa phương tiếp tục đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Vì vậy, phát triển KCN sinh thái là một hướng đi mà Quảng Nam đang hướng tới, với những tiêu chuẩn tiên tiến về mức phát thải khí nhà kính, xử lý chất thải và không gian xanh, khuyến khích công nghệ tái chế, tái sử dụng năng lượng và chất thải.
Để phục hồi nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp phát triển kinh tế, địa phương tiếp tục đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường ở các KCN |
Trên cơ sở định hướng đối với những dự án công nghiệp nặng quy mô lớn sẽ tập trung vào khu kinh tế mở Chu Lai nhưng mà bố trí vào các khu công nghiệp nào nằm ở phía Tây của quốc lộ 1A. Còn đối với các khu công nghiệp nằm ở phía Đông của quốc lộ 1A, thu hút các loại hình công nghiệp ít tác động đến môi trường về khí thải đến nước thải. Vì khu vực phía Đông quốc lộ 1A sẽ gắn với đô thị, gắn với du lịch do đó cần phải thu hút các dự án đầu tư phù hợp với loại hình đó.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 105/TB-UBND về việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc thu hút đầu tư, thủ tục hành chính, thực hiện đầu tư của các dự án tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc. Theo đó, địa phương kiên quyết ưu tiên chọn dự án đầu tư vào KCN Điện Nam - Điện Ngọc sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu quả sử dụng đất cao, không làm ảnh hưởng môi trường.
"Đối với những khu công nghiệp nằm ở trung tâm của các đô thị quan trọng, ví dụ như ở khu vực Tam Kỳ sẽ chuyển hướng sang phát triển các khu công nghiệp sinh thái theo đúng quy định. Hiện nay tỉnh Quảng Nam chưa có khu công nghiệp sinh thái, do đó phải hình thành một số khu công nghiệp sinh thái ở phía Tam Kỳ, khu công nghệ cao ở Tam Kỳ và Thăng Bình để thu hút các loại hình dự án công nghệ cao có hàm lượng chế biến sâu và hướng đến xuất khẩu" - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.