Thừa Thiên Huế: Phát triển chuỗi dịch vụ logistics

Kinh tế - Ngày đăng : 14:01, 13/07/2021

(TN&MT) - Với nhiều tiềm năng, logistics được xem như là chìa khóa để ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế có sự bứt phá mạnh mẽ hơn.

Thị trường tiềm năng

Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Mặt khác tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối với các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam.

Thừa Thiên Huế có cảng nước sâu Chân Mây, hiện đã có thể đón tàu hàng trọng tải 50 nghìn tấn. Cảng biển là cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp, khi hầu hết nguyên vật liệu, sản phẩm đầu ra được vận chuyển bằng đường biển. Cảng Chân Mây đã được đầu tư xây dựng hoàn thành cầu cảng số 1, chiều dài 360m. Cầu cảng số 2 và số 3 đang được triển khai xây dựng và sắp đưa vào hoạt động, có thể đón tàu có trọng tải 70 nghìn tấn.

Logistics là nhân tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp của mỗi địa phương. Trong ảnh là một kho hàng tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Phú Bài

Ông Lê Văn Tuệ - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, phát triển logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Dịch vụ logistics lành mạnh, có tính cạnh tranh cao sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, giảm chi phí vận chuyển, giảm các chi phí sản xuất, tiền đề để tăng cạnh tranh, thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp cho Huế.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị dành cho logistics ở các bến bãi neo đậu cho các chuyến tàu chở hàng, xếp dỡ hàng tại cảng Chân Mây, Thuận An chưa đáp ứng vì chưa có nhiều container lưu trữ quy mô khiến chiến lược phát triển logistics bị hạn chế, đội chi phí, giảm sức cạnh tranh.

Các Khu công nghiệp như Phú Bài, Phong Điền, Phú Vang chỉ đang giai đoạn đầu tư. Hệ thống kết nối thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với cơ quan hải quan chưa được triển khai đồng bộ. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh chưa đủ mạnh để đầu tư phương tiện có trọng tải lớn cả đường bộ và đường thủy. Nhiều đơn vị tham gia chuỗi cung ứng logistics, nhưng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, nhất là lĩnh vực vận tải. Nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics ở địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.

Cảng nước sâu Chân Mây được xem là yếu tố cung ứng quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng logistics phục vụ ngành công nghiệp

Kêu gọi đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, logistics đang trở thành một trong những nhân tố chính để xác định tính cạnh tranh của một nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Với sự phát triển nhanh của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa, giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm chi phí của quá trình lưu chuyển hàng hóa trong hệ thống quản lý phân phối. Logistics vì thế trở thành nhân tố quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất công nghiệp của mỗi địa phương.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã vừa ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn. Trong đó đối với đầu tư hạ tầng logistics sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh của Thái Lan, Lào. Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế phát triển thành trung tâm logistics đồng bộ, hiện đại

Ông Lê Văn Tuệ cho hay, hiện tại, tiếp giáp các bến cảng Chân Mây đã có quy hoạch khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng với diện tích khoảng 45ha. Theo định hướng thu hút đầu tư, khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đảm bảo phát triển đồng bộ, gắn kết với hệ thống hạ tầng chung của khu cảng, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa qua cảng Chân Mây theo quy hoạch chi tiết xây dựng cảng đã được phê duyệt. Sự phát triển cũng phải đảm bảo tiêu chí xây dựng thành cảng xanh, hiện đại, thân thiện môi trường.

“Ban quản lý đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục và thông tin dự án kêu gọi đầu tư khu dịch vụ logistics, hậu cần phục vụ cảng Chân Mây để trình UBND tỉnh công bố, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics đầu tư dự án với mục tiêu đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ logistics đồng bộ, hiện đại, bao gồm hệ thống kho ngoại quan, kho tổng hợp chứa hàng rời, kho lạnh, bãi tập kết container, hàng hóa thông thường; khu văn phòng điều hành, dịch vụ hải quan, tài chính; hệ thống máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ vận chuyển, bốc xếp hàng hóa; hệ thống an ninh, phòng cháy chữa cháy hiện đại; hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 900 tỷ đồng, tương đương khoảng 37,5 triệu USD”, ông Tuệ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phát triển dịch vụ logistics bài bản, đúng nghĩa sẽ trở thành một ngành dịch vụ, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu mang lại giá trị kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất cao. Thừa Thiên Huế cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Thực tế cho thấy, hàng năm tổng kim ngạch xuất khẩu ở Thừa Thiên Huế không nhỏ, như năm 2020 dù ảnh hưởng COVID-19 nhưng giá trị đạt gần 1,5 tỷ USD.

“Từ bây giờ phải tăng tốc, tạo một hướng đi mới cho dịch vụ logistics, trước hết các ban ngành chức năng phải rà soát tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, hạn chế, sớm tham mưu lãnh đạo tỉnh xây dựng phát triển dịch vụ này đồng bộ, hiện đại, nằm trong định hướng phát triển của cả khu vực miền Trung, đảm bảo hàng hóa thông thương, xuất nhập khẩu, kết nối thị trường quốc tế…”, ông Phương nói.

Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Hay nói cách khác logistics là chuỗi cung ứng, từ vận chuyển, lưu trữ, phân phối, giao nhận…

Văn Dinh