Cà Mau: Huy động mọi nguồn lực để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:29, 13/07/2021

(TN&MT) - Trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng trong khi mùa mưa bão đang cận kề, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về những giải pháp mà tỉnh Cà Mau đang triển khai thực hiện để ứng phó hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

PV: Ông có thể cho biết thực trạng và tình hình về xói lở bờ biển đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian qua như thế nào?

Ông Lê Văn Sử:

Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc với 3 mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển 254 km. Trong đó, bờ biển Tây dài 154 km, bờ biển Đông dài 100 km. Trong những năm gần đây, hầu hết bờ biển trên địa bàn tỉnh đã và đang trong tình trạng bị xói lở. Trong đó, ở biển Tây tốc độ xói lở trung bình từ 20 - 25 m/năm, còn ở biển Đông trung bình từ 45 - 50 m/năm, cá biệt, có những nơi lên đến 80 m/năm. Vào mùa mưa bão, bờ biển Cà Mau hứng chịu sóng to, gió lớn, nhiều vị trí bờ biển Đông bị xói lở nặng, còn bờ biển Tây bị xói lở có nguy cơ phá hỏng thân đê biển.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 47 km bờ biển Đông đang nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm. Trong đó, tập trung trên địa bàn các xã Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây và Tân Ân, huyện Ngọc Hiển; xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Còn đối với bờ biển Tây hiện có khoảng 22 km chiều dài bờ biển cũng đang trong tình trạng xói lở rất nguy hiểm, trong đó có nhiều đoạn đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có đoạn không còn đai rừng phòng hộ.

PV: Tỉnh Cà Mau đã có những giải pháp gì nhằm đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân ven biển?

Ông Lê Văn Sử:

Qua thống kê, kiểm kê của các ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, từ năm 2007 đến nay, tình trạng xói lở ven biển đã làm mất đi khoảng 5.500 ha đất và cây rừng phòng hộ ven biển, trung bình mất đi khoảng 400 ha/năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Do mất đai rừng phòng hộ nên nhiều đoạn đê biển Tây đã bị uy hiếp. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đã phải công bố tình huống khẩn cấp để chỉ đạo hướng khắc phục.

Đối với hạ tầng kinh tế - xã hội của các cụm kinh tế, khu dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại nghiêm trọng, đời sống của nhiều hộ dân vùng thiên tai ven biển, ven sông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng triều cường, nước dâng, sóng to gió lớn.

Điển hình như mùa mưa bão năm 2020, chỉ trong vòng 1 tháng đã xảy ra liên tiếp 5 đến 6 cơn bão, bão chồng bão, mưa chồng mưa gây sạt lở trầm trọng gần 10 km bờ biển Tây, gây ngập úng và thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển và gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Để giảm thiểu thiệt hại do xói lở bờ biển gây ra, từ năm 2012 đến nay, với sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nhiều nguồn lực khác, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây mới hơn 54,5 km kè ven biển với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó. công trình kè biển bên bờ Tây dài 41,5 km, bờ biển Đông dài hơn 12,9 km. Với hệ thống kè này, tỉnh Cà Mau đã khắc phục được tình trạng xói lở đất, rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ đê biển, khôi phục hơn 168 ha rừng phòng hộ ven biển.

Tỉnh Cà Mau đã và đang xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển

Tỉnh Cà Mau cũng đã nâng cấp 56 km đê biển Tây, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, tình mạng, tài sản của người dân vùng ven biển Tây; xây dựng 10 dự án khu tái định cư để bố trí nơi ở ổn định cho 1.680 hộ dân sinh sống tại các vùng ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai.

PV: Hiện tình trạng xói lở vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Vậy, tỉnh Cà Mau sẽ triển khai những giải pháp nào để ứng phó trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Văn Sử:

Trong thời gian tới, nhằm giảm thiểu những thiệt hại do xói lở bờ biển gây ra, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tập trung phối hợp triển khai thực hiện các giảỉ pháp để xử lý tình trạng xói lở bờ biển, bảo vệ các công trình ứng phó thiên tai, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp như: xây dựng khu tái định cư để bố trí di dời thêm gần 2.700 hộ dân sinh sống ven biển, ven sông, đảm bảo cho họ có cuộc sống an toàn hơn; phát động phong trào trồng cây ven sông, ven biển, khôi phục, bảo vệ rừng phòng hộ; theo dõi chặt chẽ diễn biến về quy mô, cường độ, hướng dịch chuyển của xói lở ven biển để kịp thời có giải pháp ứng phó; đồng thời, huy động các nguồn lực nâng cấp đê biển, kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục diện tích rừng ngập mặn ven biển.

Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, tỉnh Cà Mau cũng mong muốn trong thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành cơ chế huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội như: kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời; kè chống xói lở ven biển, sạt lở ven sông gắn với xây dựng hạ tầng tái định cư, phát triển đô thị ven biển, ven sông.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng, tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án phòng chống thiên tai như: xây dựng đê biển, kè chống xói lở tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì các dự án này không trực tiếp tạo ra nguồn thu để hồi vốn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)