Ứng dụng công nghệ vào cảnh báo rủi ro do sạt lở đất
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:25, 13/07/2021
Trong bối cảnh mùa mưa bão 2021 đang đến, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái xung quanh chủ đề “nóng” này.
PV: Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là bài toán khó đối với khoa học dự báo KTTV không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Ở Việt Nam, những thách thức nào đang đặt ra với công tác này, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Mới đây nhất, vào đầu tháng 7/2021, trên các phương tiện truyền thông cho thấy trận lũ quét, sạt lở đất cực kỳ dữ dội ở vùng ven Thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Trận lũ quét, sạt lở đất này gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Đối với một đất nước có khoa học công nghệ phát triển, trình độ và công nghệ dự báo đạt cao như vậy mà mức độ thiệt hại vẫn vô cùng lớn. Điều đó cho thấy thách thức trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất là vấn đề không phải chỉ của riêng Việt Nam mà cả trên thế giới.
GS.TS Trần Hồng Thái |
Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.
PV: Từ mùa mưa lũ năm 2020 đến nay, các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được chuyển đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp và cộng đồng có những chuyển biến tích cực. Xin ông cho biết Tổng cục KTTV đã có giải pháp gì để khắc phục bước đầu bài toán khó này?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Trước những khó khăn của công nghệ, để có được những thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất, hiện nay, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV và các viện nghiên cứu, các nhà khoa học bằng mọi giá cần có những giải pháp để thực hiện.
Tổng cục KTTV đã bước đầu có các giải pháp tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất như: tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1 - 3 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, ra đa, mô hình số. Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.
Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết theo địa danh hành chính được hiển thị theo phổ màu khác nhau trên bản đồ kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng chống thiên tai có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan khu vực được cảnh báo.
PV: Hiện nay, Tổng cục KTTV đã có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả cảnh báo, dự báo sớm thiên tai, đặc biệt là công tác cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi, thưa ông?
GS.TS Trần Hồng Thái:
Hiện, Tổng cục KTTV đang chuyển tải các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV qua nhiều kênh thông tin. Cụ thể, Tổng cục đã xây dựng Trang tin báo cáo về các thông tin dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa chỉ https://www.khituongvietnam.gov.vn/. Trang tin này đang được vận hành, kết nối, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV cũng được chuyển tải qua kênh chính thức đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực) với phương thức chủ yếu là ftp (truyền file dữ liệu).
Cần hạn chế sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua tăng cường cảnh báo sớm. |
Cùng với đó, các thông tin dự báo còn được chuyển tải qua kênh thông tin chuyên ngành. Trong đó, bản tin dự báo, cảnh báo KTTV của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia được chuyển đến Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh. Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh sẽ chi tiết hóa các bản tin dự báo, cảnh báo, sau đó chuyển đến cơ quan phòng, chống thiên tai tỉnh, huyện. Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh cũng có quy chế phối hợp với cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương để bản tin dự báo, cảnh báo KTTV có thể chuyển tải đến người dân địa phương sớm nhất.
Trước mắt, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả việc cảnh báo, dự báo sớm các thiên tai, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục KTTV đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn việc tổ chức nhắn tin dự báo, cảnh báo sớm nhất đến người dân địa phương bị tác động bởi thiên tai.
Ngành KTTV cũng sẽ tiếp tục thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương tại các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, cụ thể hóa dự báo tác động của thiên tai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai để cụ thể hóa chiến lược xây dựng hệ thống dự báo dựa trên tác động theo định hướng của Tổ chức Khí tượng thế giới nhằm tiếp tục giảm hơn nữa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Về lâu dài, chúng ta sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn và đi cùng với phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ cũng như các địa phương có thể nằm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Đồng thời, tăng cường năng lực trong cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, nhận chuyển giao hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á và áp dụng vào dự báo nghiệp vụ trong năm 2021. Trong dự báo lũ, ngập lụt, tiến hành xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt đối với từng cấp mực nước lũ. Thực hiện chi tiết hóa dự báo lũ quét, sạt lở đất bằng cách chồng chập các sản phẩm bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở của Viện Địa chất Khoáng sản và các viện nghiên cứu khác.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!