Đê hữu Hồng gãy nứt: Bộ cảnh báo, TP. Hà Nội vẫn cấp phép?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 16:37, 12/07/2021

(TN&MT) - Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn từng cảnh báo UBND Tp. Hà Nội về việc lựa chọn vị trí dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng phù hợp, tránh nguy cơ mất an toàn tuyến đê. Thế nhưng, trên thực tế, việc thi công dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng khiến tuyến đê vừa phải tốn tới 300 tỷ để cải tạo nay hư hỏng nghiêm trọng trước mùa mưa bão.

Đoạn xảy ra sự cố là trọng điểm xung yếu

Liên quan đến việc mặt đê hữu Hồng qua địa bàn xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội vừa đầu tư cải tạo tốn 300 tỷ, vẫn đang trong thời gian bảo hành thì bị nứt dọc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban đã có văn bản gửi Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội báo cáo các cấp có thẩm quyền và yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công dự án trạm bơm nhà máy nước mặt sông Hồng có các giải pháp kỹ thuật phối hợp để xử lý các khu trượt mặt đê cũng như hành lang đê. 

Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai  (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Nguyên nhân nứt dọc mặt đê là do thi công công trình thu, trạm cấp nước thô, một trong những hạng mục xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra.

Văn bản ý kiến về vị trí xây dựng Dự án Nhà máy thu, trạm xử lý nước thô của Tổng Cục Thủy lợi

Được biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Tp. Hà Nội xác định, đoạn đê xảy ra sự cố là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2021. Do đó yêu cầu thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tổ chức cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện đi vào khu vực sự cố để đảm bảo an toàn.

Đồng thời khẩn trương đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, đồng thời huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý, không để sự cố phát triển thêm; Tăng cường giám sát, lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi diễn biến sự cố, kịp thời xử lý ngay các tình huống bất lợi, ảnh hưởng đến an toàn đê; tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá tác động của quá trình thi công xây dựng công trình đến an toàn đê điều, đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, lập phương án xử lý dứt điểm sự cố, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê; Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.

Trách nhiệm thuộc UBND TP. Hà Nội?

Vị trí xảy ra gãy nứt đê hữu Hồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo từ trước. Cụ thể, từ tháng 4/2016, Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông) đã có Văn bản ý kiến về vị trí, phương án xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án xây dựng Nhà máy mước mặt Sông Hồng.

Vệt nứt gãy có chỗ lún sâu cả chục phân

Văn bản của đơn vị này đã khuyến cáo, vị trí dự kiến xây dựng công trình thu - trạm cấp nước thô đê hữu Hồng nằm ở khu vực bãi sông hẹp, đê sát sông (đã phải đầu tư xây dựng kè bảo vệ phía ngoài) liên quan trực tiếp đến tuyến đê cấp I bảo vệ cho Thủ đô. Trong quá trình xây dựng và vận hành công trình, nếu công trình có nguy cơ mất an toàn thì cũng là nguy cơ mất an toàn của tuyến đê. Vì vậy, đề nghị UBND Tp. Hà Nội chỉ đạo rà soát, nghiên cứu lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp (nơi có bãi sông rộng, cách xa đê) để đảm bảo an toàn đê điều.

Thế nhưng đến tháng 1/2021, Hà Nội quyết định cấp phép thi công Công trình thu - trạm bơm nước thô tại vị trí trên dẫn đế nứt dọc mặt đê, đe dọa an toàn đến cả tuyến đê sông Hồng.

Trước đó, Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo là đơn vị tư vấn thiết kế cho công trình thu, trạm bơm nước thô thuộc dự án nhà máy nước mặt sông Hồng đã đưa ra cảnh báo việc lựa chọn vị trí. Nó không phải là sạt trượt mà nó sẽ không thuận cho lấy nước do đây là bãi bồi bên ngoài nên việc ổn định nguồn nước lấy vào bên trong sẽ không tốt. Thế nhưng trước đó Hà Nội đã cấp phép cho công trình, do đó mọi việc như “ván đã đóng thuyền”.

Mặt đê bị lún nứt và mặt đường gom đê sông Hồng cũng bị gãy, lún nghiêm trọng

Mùa mưa bão sắp về, trong khi tuyến đê bị gãy nứt, Hà Nội và các chuyên gia vẫn đang tìm giải pháp xử lý, đồng thời sẽ quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân liên quan. Một khi không được khắc phục kịp thời, để xảy ra vỡ đê sông Hồng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và Tp. Hà Nội. Trong đó, Tp. Hà Nội phải chịu trách nhiệm với vai trò là đơn vị cấp phép.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hoa Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP nước mặt Sông Hồng cho biết:Trước mắt lỗi do quá trình thi công của Dự án gây ra, nhưng để đúng sai thì phải đợi cơ quan chức năng đánh giá, sau đó chúng tôi sẽ làm phần trách nhiệm của mình.

Cũng theo hồ sơ mà phóng viên có được, tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 4/1/2021 do  ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội ký thì Công trình thu - trạm cấp nước thô được xây dựng tại khu vực bãi sông, tương ứng k46+130 đến k46+280 đê Hữu Hồng, huyện Đan Phượng, Tp. Hà Nội.

Dự án hiện đang được thi công nhưng có dấu hiệu trậm tiến độ, trong khi mùa mưa bão đang đến gần

Công trình có 2 hạng mục mương thu nước, dài 55m và 18 m; chiều dài khuôn viên nhà trạm dài 79,3m dọc theo đê; nhà trạm bơm có kích thước mặt bằng 16,5 x 25,4m, cách chân đê khoảng 20m, cao trình đáy bể hút -3,5m, cao trình sàn nhà trạm +16m, cao trình mái nhà trạm +27,95m, kết cấu bê tông cốt thép, gia cố móng bằng cọc ly tâm. Hiện tại công trình đang có dấu hiệu chậm tiến độ!.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Lê Tí – Tâm Thế