Nhiều bất cập trong thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Kinh tế - Ngày đăng : 13:20, 12/07/2021

(TN&MT) - Qua kiểm toán chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại tỉnh Long An và Bình Dương, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Doanh nghiệp “lách luật”

Kiểm toán tại tỉnh Long An và Bình Dương, KTNN khu vực IV nhận thấy, UBND tỉnh các địa phương chưa có chỉ đạo đến các sở ban ngành xây dựng cơ sở dữ liệu giá để phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định tại Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017, Khoản 8 Điều 21 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ.

Việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa

Cùng với đó, số lượng các cuộc thanh tra chuyển giá chưa nhiều, chưa tạo được tác động lan tỏa; công tác tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp trong việc kê khai giao dịch liên kết chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Mặt khác, KTNN khu vực IV cho biết, nhiều doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với bên liên kết nhưng không kê khai, không lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điểm d, g, i Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP; một số doanh nghiệp chưa xác định lại giá thị trường đối với hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với bên liên kết, xác định lại giá thị trường chưa phù hợp với quy định theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017; chưa loại trừ chi phí lãi vay vượt quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020; Điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP 5/11/2020 của Chính phủ.

Theo KTNN, qua kiểm toán chuyên đề tại tỉnh Long An và Bình Dương cho thấy, Cục Thuế các địa phương chưa thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp liên kết, cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp độc lập phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại địa phương. Vì vậy, các đoàn kiểm toán gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm toán.

Hạn chế về cơ chế, chính sách

KTNN khu vực IV cho biết, Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017) bổ sung quy định về các bên có quan hệ liên kết tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”; và khống chế trần chi phí lãi vay ở mức 30% đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Như vậy, những cập nhập chính sách của Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ là để chống chuyển giá, mà còn thể hiện định hướng chung, quản lý thuế thực hiện tái cơ cấu, lành mạnh hóa thị trường đầu tư, hạn chế bớt những doanh nghiệp vốn mỏng, dựa nhiều vào vốn vay quá mức để mở rộng đầu tư, gây rủi ro cho hệ thống trong dài hạn.

Ngược lại, qua kiểm toán cho thấy, việc điều chỉnh của chính sách tác động chủ yếu lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa gặp khó khăn trong việc cân đối vay vốn để thực hiện sản xuất, kinh doanh, kể cả việc vay nợ từ các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, qua kiểm tra, đối chiếu các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Long An và Bình Dương cho thấy hầu hết các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay/doanh thu thuần không vượt quá 30% theo quy định.

Như vậy, các doanh nghiệp thực sự chịu sự điều chỉnh của Nghị định 132/2020/NĐ-CP trong khu vực FDI là rất thấp; việc nâng trần khống chế lãi vay còn tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn các doanh nghiệp nội địa trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, hạn chế khả năng khắc phục nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, KTNN khu vực IV nhấn mạnh, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là công cụ chống chuyển giá tiên tiến, hiệu quả, đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013.

Tuy nhiên, việc áp dụng không mang tính bắt buộc, mà phải được sự đồng ý theo nguyên tắc tự nguyện của người nộp thuế/doanh nghiệp; năng lực phân tích thị trường để hoạch định mức giá thỏa thuận cho cơ quan thuế và doanh nghiệp đồng ý và khả thi còn hạn chế. Vì vậy, qua kiểm toán trên địa bàn quản lý của Cục Thuế tỉnh Long An và Bình Dương chưa có doanh nghiệp được áp dụng làm giảm tính hiệu lực của chính sách thuế. 

Bịt “lỗ hổng” chính sách

Theo KTNN khu vực IV, thực tế cho thấy, kết quả kiểm toán chống thất thu ngân sách đối với hoạt động chuyển giá mặc dù đã có nhiều kết quả nhưng chưa làm giảm đi các hoạt động chuyển giá nhằm mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận của doanh nghiệp, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Trước thực trạng đó, KTNN khu vực IV kiến nghị các cơ quan có liên quan (như Tổng cục Thuế) cần phải xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao, từ đó, xác định giao dịch chuyển nhượng đó có tuân theo quy tắc thị trường hay không.

Đồng thời, việc áp dụng phương pháp xác định giá thuế thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, theo đó, nguyên tắc “chiều dài cánh tay” yêu cầu giá áp dụng trong các giao dịch phải được xác định phù hợp với mức giá mà các bên không liên quan áp dụng trên thị trường; hay nguyên tắc thỏa thuận trước giá tính thuế (APA) khi xác định giá trước khi giao dịch giữa các bên liên kết diễn ra và là cam kết của nhà đầu tư nhằm làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế.

Mặt khác, cần có quy định cụ thể chế tài xử phạt thích đáng nhằm ngăn chặn và có tính răn đe các doanh nghiệp vi phạm các gian lận về chuyển giá. Trong trường hợp có dấu hiệu, cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi gian lận.

KTNN khu vực IV cho rằng, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các Cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán để có các biện pháp cụ thể kịp thời xử lý đối với các hoạt động chuyển giá nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Lưu Nguyên Sơn