Nhiều khu vực trên thế giới đang trải qua nắng nóng gay gắt
Thế giới - Ngày đăng : 11:04, 10/07/2021
Cháy rừng bùng phát ở Lytton, British Columbia khi Canada và Tây Bắc nước Mỹ trải qua nhiệt độ cao kinh hoàng. Ảnh: Canadian Press / Rex / Shutterstock |
Nhiệt độ tăng vọt, đỉnh điểm ở Canada gần 50 độ C
Những ngày qua, sóng nhiệt phá vỡ kỷ lục gây ra nhiệt độ tăng cao và các vụ cháy rừng đã tàn phá một số khu vực ở Bắc Mỹ. Theo bà Kate Brown, Thống đốc bang Oregon (Mỹ), đợt nắng nóng kinh hoàng đã làm 95 người thiệt mạng, chỉ tính riêng ở bang này. Bên cạnh đó, nắng nóng ở phía Tây Bắc Mỹ và Tây Nam Canada cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm người tử vong.
Các chuyên gia và quan chức cảnh báo, hiện tượng thời tiết thảm khốc, càng nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Trong tháng 6/2021, một số khu vực của Thụy Điển đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục và đây là thời điểm xảy ra đợt nắng nóng nghiêm trọng thứ 3 ở quốc gia này. Nhà vận động khí hậu Greta Thunberg cho biết: “Tháng 6/2021 là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận ở thủ đô Stockholm, quê hương của tôi với một biên độ lớn. Trước đó, tháng 6 năm 2020 là tháng 6 nóng thứ 2 và tháng 6 nóng thứ ba là vào năm 2019”.
Tại Na Uy, Viện Khí tượng Na Uy đã xác nhận nhiệt độ ở mức 34 độ C ở Saltdal, nơi nằm gần Vòng Cực. Đây cũng là mức nhiệt cao nhất ở quốc gia này trong năm nay và chỉ thấp hơn 1,6 độ C so với mức kỷ lục trong lịch sử của Na Uy.
Nắng nóng gay gắt cũng được ghi nhận ở Canada. Các lực lượng chức năng của quốc gia này đang phải khống chế một loạt các vụ cháy rừng bùng phát ở tỉnh British Columbia ở phía Tây, sau khi Canada chống chọi với nhiệt độ lên tới 49,6 độ C, đánh dấu kỷ lục mới về nhiệt độ của đất nước.
Vào cuối tuần qua, các quốc gia ở khu vực Bắc Âu đã ghi nhận nhiệt độ cao gần mức kỷ lục, trong đó một số nơi báo cáo mức nhiệt cao đến 34 độ C. Các số liệu mới nhất được công bố sau khi Viện Khí tượng Quốc gia Phần Lan báo cáo nhiệt độ kỷ lục trong tháng 6, kể từ khi các ghi chép được tiến hành vào năm 1844.
Tại Phần Lan, thị trấn Kevo ở Lapland đã báo cáo mức nhiệt 33,6 độ C vào ngày 4/7 - ngày nóng nhất kể từ năm 1914, thời điểm nhiệt độ được xác định là 34,7 độ C.
Biến đổi khí hậu là yếu tố chính gây tác động lâu dài
Ở Nam bán cầu, nhiệt độ tiếp tục tăng cao theo mô hình phù hợp với sự nóng lên toàn cầu ở New Zealand. Trong đó, tháng 6 năm nay là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận ở quốc gia này, nơi vốn có thời tiết mùa đông trong tháng 6. Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand (NIWA) mới đây cho biết, nhiệt độ hàng ngày đã đạt mức trung bình 10,6 độ C trong tháng 6/2021, cao hơn mức trung bình 1,9 độ C mặc dù có đợt lạnh vào cuối tháng 6.
“New Zealand đã 13 lần ghi nhận mức nhiệt cao bất thường kể từ năm 1909. Tuy vậy, “điều đáng báo động” là trong 10 năm qua, nhiệt độ cao kỷ lục như vậy đã xảy ra đến 6 lần”, ông Chris Brandolino - nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand nhấn mạnh.
Ông Brandolino cho biết, các yếu tố ngắn hạn như nhiệt độ nước biển ấm lên làm nóng không khí ở New Zealand, nhưng biến đổi khí hậu lại là một yếu tố chính gây tác động lâu dài.
New Zealand đã trải qua năm nóng thứ 7 trong lịch sử vào năm 2020. Đây cũng là năm thứ 7 trong một thập kỷ ghi nhận nhiệt độ cao trong top 10 mức nhiệt cao nhất trong lịch sử. Cũng trong năm 2020, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố tình trạng “khẩn cấp về khí hậu” và nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp vì lợi ích của các thế hệ tương lai.