Phó Thủ tướng Thường trực làm việc với tỉnh Long An về phòng, chống dịch COVID-19

Trong nước - Ngày đăng : 22:02, 09/07/2021

Ngày 9/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh Long An về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Cùng dự có GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM; TS. Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ Long An phòng, chống dịch COVID-19; Bí Thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được.

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 27/5, Long An ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng. Đến nay, tỉnh có 428 ca nhiễm, trong đó 412 ca nhiễm trong cộng đồng, 16 ca nhiễm nhập cảnh, 3 ca tử vong.

Theo đánh giá của Bí Thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có thể chia làm 3 giai đoạn. Phân tích số liệu nguồn gây nhiễm bệnh cho thấy, có 13 chùm lây nhiễm trong cộng đồng đều liên quan đến yếu tố dịch tễ từ TPHCM, dịch đã xâm nhập vào doanh nghiệp ở một số khu công nghiệp. Tuy nhiên, do công tác tập trung truy vết quyết liệt nên hiện đã kiểm soát được, không có lây nhiễm chéo trong các công ty.

Hiện 15/15 huyện, thị xã, thành phố của Long An có ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó chủ yếu tập trung tại các địa phương giáp ranh với TPHCM.

Ngày 2/6, Long An triển khai áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An, các huyện còn lại thực hiện giãn cách nơi công cộng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ 00h hôm qua (8/7), tỉnh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng đối với 5 địa phương, gồm thành phố Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 đối với thị xã Kiến Tường và các huyện còn lại.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nghe lãnh đạo Công ty TNHH Din Sen Việt Nam giới thiệu sơ đồ phòng dịch khu vực nhà máy - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cùng với đó, tỉnh triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó yêu cầu tạm dừng hoạt động của 3 doanh nghiệp để khắc phục, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất. Tổ chức xét nghiệm sàng lọc trong các khu, cụm công nghiệp, trong các khu nhà trọ công nhân…

Bộ Y tế cũng đã thành lập Tổ công tác đến hỗ trợ tỉnh phân tích, đánh giá sát thực tiễn tình hình dịch bệnh.

Về năng lực phòng, chống dịch, Long An thành lập 44 khu cách ly tập trung với năng lực cách ly khoảng 11.000 giường. Tỉnh đã đưa vào hoạt động 22 khu với sức chứa là 4.378 người; đang cách ly 2.650 người. Hiện tỉnh có 1.260 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, đang điều trị 363 ca bệnh; 25 cơ sở y tế với năng lực lấy mẫu đạt 24.800 mẫu/ngày.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Được, Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên giao lưu giữa các tỉnh là rất lớn. Hằng ngày, có hàng trăm nghìn lượt người di chuyển qua địa bàn tỉnh, trong đó, có hơn 36.000 công nhân lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tại TPHCM. Ngược lại, cũng có gần 20.000 công nhân ở TPHCM và các tỉnh đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp của Long An. Đa phần trong số này chưa được kiểm soát mầm bệnh.

Điểm đáng lưu ý, tình trạng công nhân làm việc tại TPHCM nhưng một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định về đánh giá nguy cơ lây nhiễm; công nhân chưa chấp hành đi theo ca, tuyến xe và nhất là những người đi xe cá nhân không thể kiểm soát được cho là nguyên nhân gây bùng phát dịch tại Long An thời gian qua.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Được cho biết tỉnh sẽ tập trung rà soát, hoàn chỉnh kịch bản phòng, chống dịch theo ý kiến tư vấn của Tổ công tác của Bộ Y tế. Trong đó, làm tốt công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly; triển khai xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, nhất là trong lực lượng công nhân lao động và các khu vực đông người nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, từng bước làm sạch các khu, cụm công nghiệp.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty TNHH Din Sen Việt Nam trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) để bảo đảm an toàn.

Về kiến nghị, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cùng với việc cử Tổ công tác hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế xem xét tăng cường thêm nhân lực chuyên môn cao để giúp tỉnh trong trường hợp dịch nghiêm trọng hơn; hỗ trợ tỉnh số lượng bộ test nhanh, kit xét nghiệm hoặc giới thiệu đơn vị cung cấp sinh phẩm trên để tỉnh liên hệ mua sắm; chấp nhận cho tỉnh được thí điểm điều trị các ca F0 không triệu chứng tại các khu cách ly tập trung và thực hiện các ly tại nhà đối với F1.

Ngoài ra, hiện có thực tế là các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp thiết lập các chốt và không cho người dân các tỉnh miền Tây đi về, gây ùn ứ hàng nghìn người tại các địa bàn giáp ranh thuộc tỉnh Long An. Vấn đề này gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và đặc biệt sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tại địa bàn Long An. Bí thư Long An kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế có chỉ đạo và giải pháp đồng bộ chung cho các tỉnh trong khu vực để tránh việc áp dụng bất cập như hiện nay.

Nhìn nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Long An, TS. Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế cho biết, các ổ dịch, trong đó có ổ dịch tại huyện Cần Giuộc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã cơ bản được khống chế. Hiện Tổ công tác đều làm việc hằng ngày với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các địa phương có ổ dịch để có giải pháp phù hợp.

TS. Hoàng Quốc Cường đề nghị với Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần bảo đảm tránh lây nhiễm chéo giữa các khoa, phòng và giữa các phòng bệnh; bố trí khu vực thay đồ tại các khoa, phòng… Ngoài ra, tỉnh cũng cần triển khai thêm khu điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô khoảng 100 giường cấp cứu; nâng công suất xét nghiệm của CDC tỉnh lên 2.000 mẫu/24h; mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Và một vấn đề cần sớm giải quyết là tình trạng rác thải y tế hiện vượt quá khả năng xử lý của Bệnh viện, đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Với xét nghiệm, không nên tổ chức xét nghiệm diện rộng, như với huyện Cần Giuộc, dân số hơn 200.000 người, nếu tầm soát hết sẽ không đủ vật tư mà nên tầm soát đại diện. TS. Hoàng Quốc Cường cũng nhất trí với tỉnh có thể áp dụng cách ly F1 tại nhà.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm nơi Công ty TNHH Din Sen Việt Nam đang triển khai làm khu lưu trú cho công nhân - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của Long An trong 6 tháng đầu năm, cùng với phòng, chống dịch, tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tăng trưởng GDP ở mức 6,06%; thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng… đã cho thấy tỉnh đã rất nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”.

Về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải có sự chuẩn bị tốt, bảo đảm 4 tại chỗ. Cần đánh giá toàn diện năng lực trong phòng, chống dịch để sớm có phương án mua sắm trang thiết bị phù hợp, làm sao để có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, không dồn lên tuyến trên trong bối cảnh hiện nay.

Tỉnh cũng cần rà soát trên địa bàn những cơ sở có thể huy động để chuyển thành các khu cách ly. Với các khu cách ly, cần bảo đảm giãn cách, không để nhiều người trong phòng và phải được giám sát chặt chẽ. Công tác lấy mẫu cần tính toán, không lấy mẫu tràn lan, lãng phí.

Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đến công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất. Với những công nhân ở địa phương khác làm việc tại Long An, cần có giải pháp quản lý hiệu quả. Trong thời gian triển khai áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, phải thực hiện nghiêm, đúng với mức độ của Chỉ thị.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm nơi đang triển khai làm khu cách ly F1 của Công ty TNHH Din Sen Việt Nam - Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Hiện đã có các lực lượng từ Trung ương tham gia hỗ trợ tỉnh phòng, chống dịch, vì vậy, tỉnh cần chủ động phối hợp. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các địa phương trong vùng giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay, không để ách tắc lưu thông trên địa bàn.

Tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò các tổ COVID cộng đồng tại ấp, khu phố, các Tổ An toàn COVID trong doanh nghiệp, góp phần giám sát, nhắc nhở công nhân lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch, đồng thời duy trì các chốt kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Tổ chức tốt việc tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là hành vi tụ tập đông người, không đeo khẩu trang…

Cũng trong hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH Din Sen Việt Nam trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đây là doanh nghiệp trước đó đã phát hiện 23 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo Chinhphu.vn