Rà soát các mỏ, bảo đảm đủ vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Khoáng sản - Ngày đăng : 18:42, 09/07/2021
Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân; trong thời gian qua, được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, cả nước đã có 1.163 km đường cao tốc. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (là Dự án quan trọng quốc gia, được Bộ Chính trị có kết luận và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) đang rất thuận lợi và đã đạt những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đến nay còn 4 dự án chưa khởi công, trong đó 2 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); tiến độ dự kiến chậm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017; thực tiễn triển khai có một số khó khăn như: Ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng; nguồn cung vật liệu và việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu; công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật các ngành điện lực, viễn thông còn chưa đạt tiến độ...
Để góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (đến năm 2030 cả nước có khoảng 5 nghìn km đường bộ cao tốc, trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2025) và đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, bàn giao mặt bằng phần khối lượng còn lại (2,2%) theo đúng cam kết cho các nhà thầu thi công (chậm nhất ngày 30/7/2021), không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, nhà thầu về thiết kế, bản vẽ, nút giao, kết nối... Nghiên cứu nguồn vật liệu thay thế, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thi công; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hằng tuần tổ chức giao ban với các địa phương, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư, nhà thầu và các Tập đoàn EVN, VNPT, Viettel để kiểm điểm tiến độ thực hiện; hằng tháng, tổng hợp báo cáo, trình Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nâng công suất mỏ vật liệu; báo cáo đánh giá tác động môi trường; khai thác đất, đá tận dụng từ nền đường đào... theo đúng quy định; chủ trì thành lập 5 Đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng Nghị quyết số 60/NQ-CP và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021.
Bộ Xây dựng khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị giá cả vật liệu xây dựng, giá thép, có văn bản hướng dẫn kịp thời theo quy định.