Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm mở rộng: Cơ hội hay thách thức?
Môi trường - Ngày đăng : 14:46, 08/07/2021
Vậy đây là cơ hội hay thách thức đối với những nhà sản xuất và họ phải chuẩn bị những gì khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực tới đây? Để làm rõ vấn đề này, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Hoàng Phượng - chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật.
Chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng |
PV: Cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất( EPR) buộc nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm, vậy theo bà, khi áp dụng EPR, các doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn gì?
Bà Nguyễn Hoàng Phượng:
Cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng về EPR, tức là khó khăn luôn đi kèm với thuận lợi hay thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Vì EPR là một cách tiếp cận của chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu được mở rộng đến cuối vòng đời của sản phẩm.
Nói cách khác là EPR đánh giá tác động của sản phẩm theo cả vòng đời của nó để nhà sản xuất, nhập khẩu phải cân nhắc các chi phí môi trường ngay từ khi thiết kế, sản xuất hay lựa chọn nhập khẩu chúng. Vì vậy, EPR sẽ tạo ra khó khăn cho các sản phẩm ít thân thiện với môi trường mà cụ thể là sản xuất sử dụng các nguyên liệu khó tái chế, chất độc hại, thiết kế dẫn đến khó thu gom, …
Nhưng ngược lại EPR sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Điều này là vô cùng quan trọng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một sản phẩm. Do các ngoại tác môi trường – phần chênh lệch giữa giá thực và giá thị trường của sản phẩm chưa phản ánh đúng những phí tổn môi trường trên mỗi đơn vị hay diễn nôm là phần “ăn quỵt” môi trường của sản phẩm – dẫn đến các sản phẩm thân thiện với môi trường thường đắt hơn các sản phẩm ít thân thiện với môi trường, vì vậy, kém hấp dẫn hơn trong cuộc chạy đua đến với người tiêu dùng.
EPR giúp “phân bổ” lại các chi phí môi trường giúp tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn. Về cơ bản, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thì việc thực hiện EPR sẽ dẫn đến gia tăng chi phí. Tuỳ thuộc vào chính sách mà doanh nghiệp lựa chọn áp dụng khi thực hiện EPR, chi phí này sẽ chuyển thành phí (ví dụ phí thải bỏ trả trước áp dụng khi khách mua hàng) và/ hoặc chuyển vào giá của sản phẩm, bao bì – tức là bản chất người tiêu dùng là người sẽ là người chi trả. Doanh nghiệp cũng có thể tạo được lợi thế cạnh tranh nếu họ tận dụng được mạng lưới đối tác, phân phối của mình tham gia vào việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, tối ưu hoá các khâu để tiết giảm chi phí thực hiện. Nghĩa là doanh nghiệp có quan hệ đối tác tốt, có trách nhiệm hơn sẽ có lợi thế hơn trong cạnh tranh.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói về cơ hội cho các doanh nghiệp thu gom và tái chế ở Việt Nam khi EPR được thực hiện. EPR vận hành sẽ có dòng tiền đẩy vào thu gom, tái chế (điều cực kỳ ý nghĩa đối với loại chất thải đang không được giá trên thị trường) và là tấm lưới an toàn bảo vệ nền công nghiệp môi trường kể cả khi khủng hoảng xảy ra (ví dụ trường hợp tái chế nhựa ảnh hưởng do COVID làm giá dầu về thấp nên giá hạt nhựa nguyên sinh quá rẻ, tái chế không cạnh tranh được). Điều này gần như là sự bảo đảm an toàn để các nhà đầu tư đầu tư vào ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam, và tốt hơn bất cứ chính sách hỗ trợ hay khuyến khích đầu tư nào của Nhà nước mà lại không cần tiêu tốn ngân sách công.
Việc xác định được “tập khách hàng” ổn định, dung lượng thị trường ổn định (rác thường chỉ tăng) sẽ giống như một “hợp đồng dài hạn” giúp nhà đầu tư yên tâm để đầu tư và định hướng hoạt động lâu dài (thay vì chộp giật). Điều này là nền tảng cho một ngành công nghiệp môi trường phát triển. Chưa kể EPR còn tạo ra cơ hội mới cho các lĩnh vực con trong ngành công nghiệp môi trường như thiết kế công nghiệp giúp các sản phẩm thân thiện môi trường hơn (dễ thu gom, xử lý,…); sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng các loại vật liệu, giải pháp mới thân thiện môi trường hơn; nhóm tư vấn công nghiệp để hỗ trợ vận hành, kiểm toán môi trường, truyền thông,…
EPR là một cách tiếp cận của chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. |
PV: Dưới góc độ chuyên gia, bà có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp để họ vượt qua những khó khăn đó không thưa bà?
Bà Nguyễn Hoàng Phượng: Như đã phân tích ở trên, EPR giúp định hướng hoạt động sản xuất sạch hơn, sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Do đó, doanh nghiệp nên nắm bắt xu hướng để chủ động tạo ra lợi thế cho các sản phẩm của mình. Các lợi thế có thể thấy được bao gồm: tiết kiệm chi phí cho thực hiện EPR của doanh nghiệp khi sản phẩm dễ thu gom và tái chế hơn; marketing xanh hay xây dựng thương hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp có trách nhiệm trong lòng người tiêu dùng; xây dựng niềm tin và mối quan hệ bền vững với khách hàng và các đối tác. Tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ ở Việt Nam chiếm tới 93,7% tổng doanh nghiệp đang hoạt động (theo Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020), do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc việc lựa chọn việc thực hiện trách nhiệm EPR theo hình thức tập thể để cắt giảm chi phí vận hành, chi phí hành chính, kiểm toán, truyền thông, báo cáo.
Trên thế giới, việc thành lập Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO) – một tổ chức được các doanh nghiệp có nghĩa vụ trong cùng ngành uỷ quyền để thực hiện nghĩa vụ thay cho mình – trở thành một trong những đặc trưng điển hình của hệ thống EPR theo mô hình tập thể. Ở Việt Nam, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) là một ví dụ về mô hình này đã được các doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện thành lập để đón đầu cho việc thực hiện EPR ở Việt Nam.
PV: Theo bà, các cơ quan chức năng cần có tác động gì để việc thực hiện EPR được thuận chiều, đồng thời, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp?
Bà Nguyễn Hoàng Phượng:
Theo tôi, điều tối quan trọng để EPR có thể vận hành lành mạnh và có thể giám sát hiệu quả là việc thành lập một cơ quan điều phối để quản lý dữ liệu - Văn phòng EPR quốc gia. Khi thực hiện EPR, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ báo cáo, con số này luỹ tiến theo cấp số nhân theo số lượng sản phẩm, bao bì mà họ đưa ra thị trường. Do đó, riêng dữ liệu báo cáo đã cần duy trì một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn.
Thêm nữa, số liệu này lại cần phải được đối chiếu, so sánh với dữ liệu nhập khẩu của Hải quan, số liệu doanh thu nộp thuế với Tổng cục thuế, đăng ký kinh doanh, lượng tồn kho, thu hồi sản phẩm lỗi hỏng (nếu có), lượng thực tế thu gom qua hợp đồng với các bên liên quan (bao gồm cả các đơn vị thu gom rác ở các địa phương, hệ thống Đồng Nát, Bãi phế liệu,..), số liệu được tái chế hay xử lý chất thải nguy hại, số liệu còn lại bị thải bỏ,… thì mới có thể giám sát được việc vận hành.
Bản thân EPR đòi hỏi việc phối hợp nhịp nhàng và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý liên quan vừa đảm bảo đơn giản hoá báo cáo của các doanh nghiệp có nghĩa vụ vừa đảm bảo hiệu quả giám sát. Do đó, cơ quan điều phối vừa giúp giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
Mặt khác, cơ quan điều phối còn giúp xác định được “free-riders” - chỉ những người được hưởng lợi mà không trả phí hoặc chỉ trả một phần phí thấp hơn thực tế - trong hệ thống EPR và kết nối với các cơ quan quản lý có thẩm quyền để xử lý. Tình trạng free-rider không chỉ tạo gánh nặng cho những người tuân thủ EPR phải trả thêm phí bù đắp cho người không tuân thủ mà còn tạo ra sự cạnh trạnh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng (đối với bao bì) cùng một mặt hàng. Việc tình trạng free-rider không được quản lý và xử lý còn dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp có xu hướng trốn tránh việc tuân thủ và trở thành free-rider trong tương lai, gây ảnh hưởng đến sự vận hành lành mạnh của toàn bộ hệ thống EPR.
Văn phòng EPR sẽ vận hành như “quả tim” giúp “bơm máu” khắp hệ thống EPR. Do đó, thiếu Văn phòng EPR gần như là “nhiệm vụ bất khả thi” để đảm bảo EPR có thể vận hành lành mạnh cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý ở Việt Nam.