Chuẩn bị thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 11:15, 08/07/2021
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT |
PV: Xin ông cho biết quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu được thể hiện như thế nào trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà Bộ TN&MT đang soạn thảo?
Ông Phan Tuấn Hùng:
Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) được thể chế hoá trong Chương quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Chương VII dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường 2020. Dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.
Theo dự thảo Nghị định, hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 52 ban hành kèm theo Nghị định là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 58 là đối tượng phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Quy định này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm, bao bì được sản xuất, nhập khẩu để bán, tiêu dùng và thải bỏ tại Việt Nam; không áp dụng đối với sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập tái xuất.
Các sản phẩm quy định tại Phụ lục 52 là một số sản phẩm thuộc các ngành hàng điện, điện tử; pin- ắc quy; dầu nhớt; săm lốp; phương tiện giao thông và máy móc công trình; bao bì các loại. Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được lựa chọn 02 hình thức để thực hiện trách nhiệm tái chế của mình là tổ chức tái chế (ở hình thức này nhà sản xuất có 3 lựa chọn bao gồm: tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế có đủ điều kiện, ủy quyền cho bên thứ ba tổ chức tái chế; nếu không lựa chọn hình thức thứ nhất thì có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Phương pháp xác định tỷ lệ tái chế và số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam được dự thảo Nghị định được cân nhắc xác định từ kinh nghiệm khoa học quốc tế được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn bối cảnh của Việt Nam.
Các sản phẩm quy định tại Phụ lục 58 gồm một số sản phẩm thuộc ngành hàng: bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng, hóa chất khử trùng, hóa chất tẩy các loại; tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su; thuốc lá; sản phẩm, bao bì sử dụng nhựa như một thành phần nguyên liệu. Trên thực tế, việc thu gom nhóm sản phẩm này số lượng lớn đủ cho tái chế là chưa khả thi tại thời điểm này nên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Mức đóng góp theo định mức do Nghị định quy định căn cứ vào lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Quỹ Bảo vệ Môi trường sử dụng khoản thu được để hỗ trợ các hoạt động: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc và đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường được quyết định bởi Hội đồng EPR Quốc gia với các thành viên là đại diện các cơ quan quản lý có liên quan, đại diện cho từng nhóm nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế, đại diện các doanh nghiệp tái chế, các tổ chức môi trường và bảo vệ người tiêu dùng. Căn cứ vào đề nghị của Hội đồng EPR Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tỷ lệ tái chế bắt buộc và định mức chi phí tái chế áp dụng theo từng giai đoạn.
Văn phòng EPR Việt Nam là cơ quan giúp việc của Hội đồng EPR Quốc gia, có trách nhiệm điều phối và hỗ trợ các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm mở rộng.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. |
PV: Nếu Nghị định này thông qua sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng, trong đó có 6 nhóm ngành hàng chính (pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì). Vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để hệ thống EPR đi vào hoạt động, thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng:
Trước tiên cần phải khẳng định rằng EPR không phải là quy định mới ở Việt Nam. Vấn đề này được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường 2005 và 5 nhóm ngành hàng là pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy hiện đang là đối tượng thực hiện EPR theo Quyết định 16/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Quy định hiện nay không đặt ra tỷ lệ tái chế bắt buộc nên các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm để tuân thủ chứ doanh nghiệp đã có thời gian khá dài để thực hiện trách nhiệm của mình. Thêm nữa, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu là các doanh nghiệp FDI cũng đã có sẵn kinh nghiệm ở các quốc gia khác và sẵn sàng cho việc thực hiện EPR.
Việc xây dựng quy định EPR đã được Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT khởi động từ rất sớm, với sự tham gia chặt chẽ, tích cực và chủ động của các ngành hàng, các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia trong và ngoài nước ngay từ năm 2019. Đặc biệt chúng tôi đã đề nghị các nhóm ngành hàng đề xuất tỷ lệ tái chế, định mức tái chế và quy cách tái chế để có cơ sở xây dựng dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của quy định. Các ngành hàng đã tích cực tham gia xây dựng dự thảo Nghị định cũng như đề xuất tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế và đóng góp tài chính. Điều này thể hiện sự chủ động, sẵn sàng nhất định của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện quy định về EPR.
Dự thảo Nghị định đưa ra lộ trình cho việc thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu với mức độ yêu cầu tái chế sẽ tăng dần để đảm bảo doanh nghiệp có khả năng thích nghi dần. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Sau khi thực hiện EPR, doanh nghiệp báo cáo có kiểm toán số liệu thực tế để xác định việc hoàn thành nghĩa vụ của mình. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các doanh nghiệp thường uỷ quyền cho một Tổ chức thực hiện Trách nhiệm của Nhà sản xuất (Producer Responsibility Organization – PRO) để tối ưu hoá chi phí cho việc vận hành và báo cáo của mình. Ở Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì (PRO Việt Nam) là một ví dụ về tổ chức này đã được thành lập để đón đầu và hỗ trợ các thành viên trong liên minh thực hiện nghĩa vụ EPR khi quy định có hiệu lực pháp luật. Chúng tôi hi vọng các nhóm ngành hàng, doanh nghiệp có nghĩa vụ khác cũng nên cân nhắc mô hình thực hiện EPR theo nhóm/ tập thể để giảm gánh nặng chi phí và hành chính. Mô hình này chính là lựa chọn uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện tái chế trong dự thảo Nghị định.
Mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhâp trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng. Như vậy, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng nên cân nhắc việc thay đổi các thiết kế sản phẩm, lựa chọn sản phẩm nhập khẩu theo hướng sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn để giảm thiểu chi phí thực hiện EPR trong tương lai. Nói cách khác, EPR là công cụ hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường hơn có lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở Việt Nam.
PV: Theo ông, làm thế nào để thúc đẩy thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đưa những quy định về EPR trở thành công cụ chính sách hiệu quả?
Ông Phan Tuấn Hùng:
Cách tiếp cận về EPR theo Luật BVMT 2020 và dự thảo Nghị định hướng dẫn khắc phục các nhược điểm của quy định về EPR hiện tại theo Luật BVMT 2014 và Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, chúng tôi đề xuất sử dụng hai công cụ chính sách khác nhau và mang tính bổ trợ cho nhau nhằm tăng cường hiệu quả của EPR tại Việt Nam, cụ thể:
Điều 54 về trách nhiệm tái chế sử dụng công cụ chính sách yêu cầu thu hồi sản phẩm thải bỏ tiếp nối công cụ chính sách đang áp dụng tại Điều 87 Luật BVMT 2014 và Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhưng quy định tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc để đảm bảo tính hiệu quả.
Điều 55 về trách nhiệm xử lý sử dụng công cụ chính sách thu phí thải bỏ trả trước là quy định mới và áp dụng với các sản phẩm chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý. Do các sản phẩm này khi thải bỏ thường nằm lẫn trong chất thải sinh hoạt khác nên việc quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý không thực sự hiệu quả, thêm nữa, một số gần như không có giá trị tái chế nên hiệu quả và chi phí để tổ chức thực hiện khó khả thi trên thực tế, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải rắn còn hạn chế ở Việt Nam. Vì vậy, quy định này hướng tới thiết lập nghĩa vụ tài chính nhằm chia sẻ gánh nặng và bù đắp phần nào chi phí thu gom và xử lý các dòng chất thải này vốn nằm lẫn trong chất thải sinh hoạt do các địa phương đang phải quản lý.
Hai quy định này mang tính bổ trợ cho nhau nhằm đảm bảo EPR hỗ trợ nhiều nhất cho thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, cụ thể: áp dụng được nhiều dòng chất thải khác nhau, trong đó các dòng chất thải áp dụng theo Điều 55 là chưa khả thi cho áp dụng theo quy định tại Điều 54 trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam; đảm bảo tăng khả năng bao phủ và tiếp cận chính sách EPR trên phạm vi cả nước. Điều 54 cho phép tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tự thiết lập các cơ chế thu gom và tái chế nên thông thường được tổ chức những khu vực tập trung dân cư và khu vực có cơ sở hạ tầng hoàn thiện (thông thường là khu vực đô thị) để tối ưu hoá chi phí. Mặc dù tỷ lệ tái chế bắt buộc được đặt ra nhưng không thể lên tới 100% vì vậy Điều 54 vô tình sẽ dẫn đến sự tập trung hoá ở khu vực đô thị dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng chính sách EPR giữa cư dân nông thôn và cư dân đô thị. Do đó, đóng góp tài chính thu được tại Điều 55 sẽ và cần được sử dụng ưu tiên cho khu vực nông thôn nhằm một phần phần bù đắp cho sự bất bình đẳng vô tình tạo ra theo Điều 54 và từng bước hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ cho việc mở rộng áp dụng chính sách của Điều 54 tại các khu vực này trong tương lai.
Thứ hai, dự thảo Nghị định cũng yêu cầu nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp và số liệu này sẽ được giám sát thông qua việc quản lý dữ liệu lớn. Dữ liệu báo cáo sẽ được quản lý tập trung và trực tuyến thông qua Cổng thông tin về EPR quốc gia được vận hành bởi Văn phòng EPR Quốc gia – đơn vị có trách nhiệm quản lý dữ liệu, đối chiếu dữ liệu với các đơn vị liên quan (như cơ quan Hải quan, cơ quan thuế,…) để xác định việc doanh nghiệp có hoàn thành nghĩa vụ và doanh nghiệp trốn nghĩa vụ để báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền xử lý. Văn phòng EPR Quốc gia không chỉ là nơi tập hợp thông tin, đưa ra đề xuất, giúp việc cho Hội đồng EPR Quốc gia mỗi kỳ họp mà còn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về thị trường EPR như nhu cầu tái chế, năng lực thu gom của các địa phương,… giúp cho toàn bộ hệ thống vận hành.
EPR không phải công cụ vạn năng mà cần được kết hợp với các chính sách về quản lý chất thải khác như thu phí dựa theo khối lượng/ trọng lượng rác thải theo quy định của của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong tương lai, khi cả hai chính sách này đi vào hiệu lực sẽ bổ trợ cho nhau trong việc thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn – điều kiện cần để đảm bảo hiệu quả thực hiện EPR cũng như hệ thống quản lý chất thải rắn, qua đó, thúc đẩy một ngành công nghiệp môi trường phát triển bền vững ở Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!