Không xử ngay… không biết sợ

Xã hội - Ngày đăng : 10:33, 08/07/2021

(TN&MT) - Trốn cách ly, nhờ người đi cách ly thay, khai báo y tế gian dối,… những lỗ hổng ấy đang vô tình dẫm lên nỗ lực của hàng triệu con người trong công cuộc phòng chống dịch thời gian qua. Tệ hơn, mới đây, có trường hợp F0 trốn khỏi nơi điều trị, ra ngoài mua đồ uống. Và tệ hơn nữa, có một F0 trốn viện.

Bộ đội biên phòng ngày đêm chống dịch nơi biên giới

Phẫn nộ là thái độ chung của nhiều người trước những hành vi này. Song, có một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng vi phạm quy định chống dịch cứ tái diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn. Phải chăng, chúng ta đang xử chưa nghiêm, chưa triệt để, chưa công bố rộng… dẫn đến không đủ sức răn đe?

Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tại các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng đỏ. Ngày 6/7, các ca dương tính đã vượt qua 4 con số chỉ trong một ngày. Một số địa phương đã phải phong tỏa, cách ly xã hội cục bộ; đóng cửa chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM); nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề; có trường học phải dừng kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 của các em học sinh; nhiều y bác sĩ, bộ đội, công an và lực lượng tuyến đầu nhiều đêm không ngủ nhiều tháng không về; nhiều chuyến xe đã đưa các đoàn y bác sĩ và lực lượng thiện chiến chống dịch vào Nam. TP.HCM đang nóng, rất nóng, có thể tới đây sẽ phải thực hiện Chỉ thị 16 trên diện rộng; miền Bắc cũng vừa mới tạm ổn trở lại. Thế mà…

Đừng nói những người vi phạm ấy không hiểu biết. Đến đợt dịch thứ 4 này, không còn lý do gì để biện minh cho những hành động thiếu ý thức cũng như thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội. Dịch bệnh đã diễn ra từ lâu, hậu quả trên thế giới ra sao? ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào? thông tin không thiếu, giáo dục tuyên truyền cũng không thiếu. Chủ trương, quyết tâm của Đảng và Chính phủ, toàn dân đã rõ! Không thể đổ lỗi cho việc thiếu thông tin hay hạn chế về nhận thức.

Vì họ, không phải là một đứa trẻ lên 3!

Trắng đêm truy vết

Mới đây, hình ảnh một cháu bé 5 tuổi tự giác lên xe vào viện điều trị Covid-19 khi không có người nhà bên cạnh khiến nhiều người xúc động. Khoan bàn về cách giáo dục của gia đình vì bàn như vậy chỉ là phỏng đoán. Nhưng rõ ràng, chỉ xét trên hiện tượng, những người lớn kia không bằng ý thức của một đứa trẻ lên 5.

Phải xử nghiêm là quan điểm của nhiều người dân. Luật pháp đã nhẹ tay trong một số trường hợp vi phạm trước đây. Có thể trước mắt, do suy nghĩ họ là bệnh nhân nên tạm thời chưa khởi tố. Nhưng xin một lần nữa nhắc lại, những hành vi vi phạm nghiêm trọng kia không chỉ phá đi thành quả của Nhà nước và nhân dân mà còn là hành vi tàn sát cộng đồng. Vậy nên, xử lý vi phạm (nhất là với đối tượng F0), suy cho cùng, là việc cực chẳng đã, nhưng không thể không làm, phải xử ngay và nghiêm, thông báo rộng, không xử sẽ không biết sợ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhấn mạnh rằng, chúng ta vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như đi trên một sợi dây, phải cân bằng; sự vô ý thức của một người có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn, hàng vạn người và thiệt hại vật chất hàng chục, hàng trăm tỷ đồng hoặc hơn thế nữa…

Xuyên suốt cuộc chiến là tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Nếu coi “dịch” như “giặc” thì chính những người vi phạm kia, dù vô tình hay cố ý, đã “tiếp tay”, cho giặc hủy hoại cộng đồng. Và khi việc chống dịch được coi như chống giặc thì kỷ luật thời chiến phải được áp dụng. Những hình phạt nhẹ cần phải nhường chỗ cho những biện pháp mạnh tay, cứng rắn hơn, kể cả là khởi tố hình sự theo luật định.

Rõ ràng, chỉ có kỷ luật thép mới hạn chế tình trạng này. Hơn lúc nào hết, cùng với tăng cường giáo dục tuyên truyền, cần phải xử lý quyết liệt, nhanh chóng, vừa đủ sức răn đe, vừa tạo hiệu ứng xã hội để nâng cao kỷ luật, trách nhiệm của từng cá nhân. Có như vậy mới giúp chúng ta đứng vững trên trận địa chống dịch, bảo vệ thành quả mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và hàng triệu con người đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc cá nhân, lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi công sức, thậm chí cả máu xương để chiến đấu, bảo vệ, giữ gìn. 

Việt Hải