Bảo vệ ươi mùa chín quả
Kinh tế - Ngày đăng : 21:14, 07/07/2021
Túc trực bảo vệ rừng ươi
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa (Đà Nẵng) vào thời gian này cuốn hút với vẻ đẹp hiếm có của thiên nhiên ban tặng. Trên nền xanh ngát của núi rừng được điểm tô bởi muôn vàn “chiếc dù” màu đỏ nhấp nhô theo gió, đó chính là tán của những cây ươi sai quả đang vào mùa chín rộ. Để có được hình ảnh đó, hơn một tháng nay BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa đã phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ.
Một điểm chốt chặn bảo vệ ươi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa |
Ông Quách Hữu Sơn, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, khi mùa ươi bay rộ lên, người dân trên địa bàn và cả những người từ nơi khác tìm đến các cánh rừng già để thu lượm hạt ươi khá nhiều. Không ít người do nôn nóng thu hoạch được nhiều hạt đã trèo lên cây, chặt cành, thậm chí đốn hạ cả cây ươi. Điều này không những hủy hoại cây ươi, hủy hoại cây rừng tự nhiên mà còn nguy hiểm đến tính mạng của người đi thu hoạch ươi.
Để bảo vệ rừng ươi, ngăn chặn các đối tượng tận diệt và bảo vệ PCCC rừng trong mùa nắng nóng, đơn vị đã huy động hơn 40 cán bộ, Kiểm lâm viên, bảo vệ rừng chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an địa phương, cùng huy động 280 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (thuộc huyện Hòa Vang) và nhiều hộ dân tình nguyện ở thôn Ka Dong, xã Tư, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cùng tham gia xác lập 10 điểm chốt chặn. Nhiệm vụ của các chốt là phân công lực lượng trực 24/24 h trong ngày tại các chốt để ngăn chặn người vào rừng trái phép tận diệt, khai thác ươi.
Lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn Bà Nà Núi Chúa tăng cường tuần tra, bảo vệ ươi |
BQL cũng đã luân phiên tổ chức tuần tra, kiểm tra tại khu vực có nhiều cây ươi chuẩn bị rụng quả nhằm kịp thời không cho các đối tượng chặt hạ cây để hái quả. Đồng thời treo nhiều tấm băng-rôn ở các tuyến đường, khu dân cư gần rừng để tuyên truyền chống chặt phá, xâm hại cây ươi.
Qua quan sát biển số xe máy, các chốt xác định người vào rừng trái phép chủ yếu đến từ huyện Đại Lộc, Quảng Nam; huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế; họ mang theo bạt (dùng để phơi hạt Ươi), rìu (để chặt hạ)…, hầu hết đã được phát hiện và đẩy đuổi ra khỏi rừng. Cụ thể, vào các ngày 20-25 và 26/6 lực lượng chốt chặn đã kịp thời phát hiện và đẩy đuổi hơn 14 trường hợp, nhiều nhóm người khai thác ươi ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mang theo tấm bạt (dùng trải hứng quả ươi rụng, phơi quả ươi...), rìu (để chặt hạ cây)…men theo các đường mòn, lối mở vào rừng khai thác ươi.
Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, người dân tộc Cơ tu, ở thôn Tà Lang 2) cho biết: Hơn 1 tháng nay chị đã cùng 200 hộ dân nhận khoán Bảo vệ rừng ở thôn Giàn Bí tham gia cùng với lực lượng kiểm lâm túc trực hơn 1 tháng để bảo vệ các cánh rừng ươi không bị chặt phá. “Nhìn những cây ươi sai quả đang được bảo vệ an toàn, chúng tôi rất vui. Khi nhiều quả ươi nẩy mầm, lớn lên sẽ có giá trị cao gấp nhiều lần cho người dân 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí nói riêng và thành phố nói chung”.
Không để cây ươi bị đốn hạ
Tại Quảng Nam, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay đầu mùa ươi năm nay, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng tăng cường các giải pháp nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi để hái quả, chặt hạ cây rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ. Mọi trường hợp vi phạm đều phải được kiểm tra làm rõ và phải xử lý như đối với trường hợp phá rừng, khai thác gỗ trái phép.
Một điểm chốt chặn được lập trên lối vào rừng ở phía ngoài đèo Mũi Trâu. |
Để bảo vệ rừng ươi mùa rộ quả, tại lâm phận Bắc Trà My, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My đã cử 81 cán bộ chuyên trách và 20 nhân viên hợp đồng tại các xã bám 19 điểm chốt của huyện. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có 3 chốt kiểm soát được thành lập không cho bà con đem các dụng cụ như cưa máy, rìu vào rừng. Ai vào rừng thì chỉ được thu nhặt những quả ươi bay, không được tác động đến cây ươi. Người khai thác quả ươi phải được chính quyền địa phương, chủ rừng cấp phép theo quy định của huyện.
Những quả ươi cùng đài hoa bị gió thổi bay hoặc rụng xuống đất sẽ nảy mầm, tái sinh sau những cơn mưa |
Anh Nguyễn Tấn Nguyên làm nghề thu mua ươi đã nhiều mùa. Anh Nguyên chia sẻ, dạo trước, việc chặt hạ ươi được xem là cách khai thác khá phổ biến, nhằm tận thu hạt ươi đã chín và ươi còn xanh, phơi khô để bán. Theo đó, chất lượng rõ ràng bị ảnh hưởng, giá bán cũng thấp. Nhận thức được điều đó, người dân đã bắt đầu chờ ươi rụng để nhặt chứ không còn chặt cây hay rung cây như trước đây.
“Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân thu lượm ươi, nhưng tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi vi phạm pháp luật. Bà con sau khi được chính quyền phổ biến cách bảo vệ, có giấy thì mới được vào rừng ươi khai thác. Hiện ươi tự rụng có giá khoảng 320-350.000 đồng/1 kg, còn ươi non chỉ có giá 280-300.000 đồng/1 kg”- anh Nguyên cho hay.
Cây ươi (Scaphium macropodum) là một loại thực vật quý hiếm sinh trưởng mạnh tại dọc vùng rừng già từ Đà Nẵng . Ươi phải từ 15-20 năm tuổi mới ra quả và cứ 4 năm mới ra quả một lần. Việc bảo vệ này sẽ giúp cho hàng triệu cây ươi được tái sinh, nảy mầm từ phần lớn quả ươi được tiếp đất ở những khoảng trống trong rừng sau các cơn mưa.