Cần ứng dụng công nghệ vào phòng chống sạt lở đất đá tại Tây Bắc
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 11:47, 06/07/2021
TS. Đỗ Xuân Đức, Giảng viên Bộ môn Quản lý TN&MT, Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc |
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng sạt lở đất đá trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng những năm gần đây?
TS. Đỗ Xuân Đức:
Khu vực Tây Bắc gồm 6 tỉnh, với đặc thù núi cao, địa hình chia cắt mạnh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đã ảnh hưởng tới tiểu vùng Tây Bắc, và Sơn La là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất chính là diễn biến của hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đang trở nên phức tạp và thất thường vào mùa mưa. Trong đó, sạt lở đất đá là một trong những hệ quả của mưa lớn với cường độ cao kéo dài, gây lũ quét, lũ ống.
Mùa mưa tại các tỉnh Tây Bắc thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9, trong đó tháng 8 là đỉnh điểm của mưa lớn với thời gian ngắn, cường độ mạnh. Qua nghiên cứu, những năm gần đây, hiện tượng mưa mùa giảm đi nhưng tần suất mưa trái mùa lại tăng lên. Từ năm 2015 trở lại đây, xu hướng sạt lở đất đá có tần suất diễn ra ít hơn, nhưng quy mô, cường độ tàn phá lại lớn hơn giai đoạn trước.
Các nguyên nhân chính gồm: Mưa lớn tập trung kéo dài làm đất bị cuốn trôi; địa hình bị chia cắt mạnh, cấu tạo địa chất thiếu ổn định, nhiều sông suối nhỏ, trong khi đó các sườn lưu vực đổ trực tiếp vào sông suối có độ dốc lớn; độ che phủ của rừng và thảm thực vật tại khu vực Tây Bắc chưa cao.
PV: Theo ông, việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc hiện nay có phải là một trong những tác nhân gây nguy cơ về sạt lở đất đá không?
TS. Đỗ Xuân Đức:
Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng, nhất là tại một số khu vực có địa hình nằm trong cung đứt gãy của lưu vực sông Đà.
Không chỉ ở Sơn La, tại các tỉnh Tây Bắc, việc khai thác khoáng sản đang là vấn đề nóng. Do hiện nay các đơn vị khai thác vẫn chủ yếu áp dụng công nghệ khai thác lạc hậu, chưa có đánh giá cụ thể chi tiết và lâu dài về hệ quả của hoạt động khai thác, chưa có biện pháp xử lý triệt để phế thải của quá trình khai thác. Hoạt động khai thác cũng có thể gây ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực và thảm thực vật xung quanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sạt lở.
Sơn La là địa phương chịu nhiều thiệt hại do sạt lở đất đá. |
PV: Theo ông, công tác phòng chống nguy cơ sạt lở đất đá đã được các địa phương trên địa bàn triển khai sát sao và hiệu quả chưa?
TS. Đỗ Xuân Đức:
Hoạt động quản lý thiên tai những năm gần đây đã có những cách làm, cách tiếp cận tốt và hiệu quả hơn. Nhưng theo quan điểm cá nhân, quản lý thiên tai cơ bản mới dừng lại ở nhận diện nguy cơ, khả năng xảy ra và tập trung khắc phục.
Qua khảo sát thực tế tại các tỉnh Tây Bắc, tôi nhận thấy, những khu vực dễ bị ảnh hưởng rủi ro thiên tai, sự vào cuộc của các bên liên quan cần quyết liệt hơn nữa; phải có sự ưu tiên về các nguồn lực tài chính, công nghệ kỹ thuật, con người, đầu tư để tạo sự cân bằng, hài hòa cho phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. Có những khu vực có thể người dân lâu nay sinh sống rất an toàn, nhưng đến nay, do nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động làm thay đổi về địa hình, địa chất lại xảy ra thiên tai, sạt lở.
Do đó, công tác cảnh báo thiên tai là rất quan trọng, chúng ta cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả của bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào công tác cảnh báo. Đây cũng là bài toán tổng thể đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
PV: Dưới góc độ nghiên cứu, giảng dạy, ông có đề xuất gì với chính quyền các cấp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống sạt lở đất đá khu vực Tây Bắc thời gian tới?
TS. Đỗ Xuân Đức:
Để nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, đặc biệt là hiện tượng sạt lở đất đá, các đơn vị phòng chống bão lũ, thiên tai tại địa phương cần đề cao hơn nữa vai trò phòng ngừa trước thiên tai.
Khi chúng tôi đi khảo sát tại các tỉnh Tây Bắc, người dân Tây Bắc có tập quán làm nhà gần suối để thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. Nhưng cũng vì thế, khi lũ ống, lũ quét tràn về sẽ gây thiệt hại rất mạnh. Do đó, với các khu vực có nguy cơ cao trượt lở đất đá, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, đánh giá cụ thể nguy cơ để bố trí đất đai, di dời dân đến các khu vực cao hơn, địa chất ổn định hơn để giảm thiểu tối đa thiệt hại do sạt lở đất đá cục bộ gây ra.
Đặc biệt, vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng trong công tác phòng chống sạt lở. Hiện nay, đã có rất nhiều chương trình, dự án về công tác phòng chống thiên tai, cảnh báo tai biến thiên nhiên được triển khai thực hiện nhằm nâng cao sự chủ động ứng phó, thích nghi với các loại hình thiên tai cho người dân. Chúng ta nên đẩy mạnh áp dụng công nghệ cảnh báo thiên tai, tập huấn cho người dân biết và theo dõi diễn biến thời tiết, nhất là các thời điểm cảnh báo mưa, khu vực nào có khả năng trượt lở đất đá cao. Từ đó, tự mình giảm thiểu thiệt hại trượt lở đất đá gây ra.
Ngoài ra, tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, cần tập trung phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu, hoang hóa, chuyển thành đất rừng, trồng cây bản địa, cây có khả năng giữ nước…., góp phần giảm thiểu xói mòn, trượt lở đất, bảo vệ các bản làng và tăng cường hệ sinh thái cho các khu vực. Thúc đẩy chương trình hỗ trợ sinh kế bền vững để người dân giảm lệ thuộc vào rừng, tránh chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Về vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, chính quyền các cấp nên xem xét áp dụng việc cấp phép khai thác với những điểm có trữ lượng lớn. Với những điểm mỏ có trữ lượng ít, thay vì cấp phép khai thác có thể áp dụng các mô hình phát triển xanh phù hợp, dựa vào lợi thế cảnh quan để phát triển kinh tế xanh trên quan điểm lựa chọn các mô hình từ phát triển nâu sang phát triển xanh…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo thống kê từ UBND tỉnh Sơn La, qua rà soát, quy mô các điểm trượt nhỏ là 795 điểm, trung bình 622 điểm, trượt lớn 266 điểm và rất lớn 11 điểm. Tỉnh đã khoanh định được 73 vùng có nguy cơ trượt lở cao. Số lượng cũng như mật độ điểm trượt lở đất đá cao xuất hiện tại các huyện Mộc Châu (268 điểm) và Sông Mã (260 điểm).
Kết quả khảo sát thực địa cũng cho thấy, các điểm trượt lở đất đá xảy ra trên các sườn dốc nhân tạo chiếm 96,75% số lượng điểm trượt lở đã điều tra; 3,25% số điểm trượt lở còn lại được xác định đã xảy ra trên các sườn dốc tự nhiên và chưa có tác động của con người làm biến đổi hình thái bề mặt sườn dốc.