Thiết lập nền tảng tài nguyên số cho dữ liệu đa dạng sinh học Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:27, 05/07/2021
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo dự thảo Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040, ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dang sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết: Mục tiêu chung của Đề án nhằm thiết lập, hoàn thiện nền tảng tài nguyên số, hệ thống thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học với giải pháp công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tiến tới cung cấp dữ liệu đầu vào phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), góp phần phát triển bền vững đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh.
Đề án cũng là cơ sở để hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên số về đa dạng sinh học; xây dựng hạ tầng dữ liệu số, cung cấp dịch vụ số về ĐDSH; cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia được hoàn thiện kiến trúc, nền tảng quản trị, vận hành kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phù hợp với chuẩn Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài nguyên và Môi trường, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH.
Đồng thời, tỷ lệ UBND tỉnh lập báo cáo đa dạng sinh học cấp tỉnh đạt tối thiểu 80% và tối thiểu 80% khu vực ưu tiên bảo tồn triển khai kiểm kê, quan trắc ĐDSH khu bảo tồn theo quy định. Tất cả các Ban Quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên định kỳ lập báo cáo đa dạng sinh học; tỷ lệ đội ngũ cán bộ các cấp, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được tăng cường năng lực và đầu tư, đồng thời, đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực quốc tế cho kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đạt tối thiểu 80%.
Quang cảnh cuộc họp |
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ đó, dự thảo Đề án cũng đề ra các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tăng cường các giải pháp công nghệ, xử lý thông tin, dữ liệu, bảo mật, an toàn thông tin; kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Trung ương và và địa phương đáp ứng yêu cầu công tác kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho việc tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ nguồn tài nguyên số về ĐDSH.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong công tác kiểm kê, quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học. Truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống tài liệu hướng dẫn kiểm kê, quan trắc, xây dựng chỉ thị, chương trình quan trắc, lập báo cáo ĐDSH và vận hành cơ sở dữ liệu ĐDSH. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ mức độ hoàn thành mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Đề án.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã đưa ra một số góp ý để Tổng cục Môi trường nghiên cứu và sớm hoàn thiện dự thảo Đề án.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu, ghi nhận các ý kiến để sửa đổi dự thảo và hoàn thiện Đề án. Việc kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo phải có tính kế thừa và tích hợp với các đề án, dự án, chương trình liên quan khác đã và đang thực hiện ở Việt Nam; cần chỉ rõ ra các tiêu chí cụ thể, xác định rõ đối tượng cần kiểm kê, quan trắc. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường cần tổ chức các buổi họp với các đơn vị liên quan để trao đổi, thảo luận, làm rõ và thống nhất các nội dung trong dự thảo Đề án.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đồng ý với đề xuất của Tổng cục Môi trường về kế hoạch trình Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.