Nhiều sai phạm trong quy hoạch, cấp phép xây dựng tại Hà Nội và Bắc Ninh

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:46, 02/07/2021

(TN&MT) - Qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông (TP. Hà Nội) và tỉnh Bắc Ninh thực hiện năm 2021, Kiểm toán Nhà nước khu vực I đã chỉ rõ nhiều sai phạm tại hai địa phương này.

Công tác quy hoạch và cấp phép xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

 

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực I, trên địa bàn TP. Hà Nội, công tác ban hành một số văn bản về quản lý điều hành, công tác lập và phê duyệt một số đồ án quy hoạch còn chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu quản lý và kế hoạch đề ra. Cụ thể: quận Nam Từ Liêm chưa ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, chưa lập quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Nhuệ; quận Cầu Giấy chưa ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND cấp phường, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp quận trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chưa có văn bản về việc rà soát định kỳ đối với các quy hoạch theo quy định tại Khoản 1, Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị 2009; UBND thành phố Hà Nội chưa có quy hoạch không gian ngầm đô thị, chưa ban hành được các quy định cụ thể về quy hoạch, cấp phép xây dựng dựng phần ngầm các công trình như về số tầng hầm tối đa, chiều sâu tầng hầm, kết nối với xung quanh…

Tại TP. Hà Nội, một số đồ án quy hoạch hoặc tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, chấp thuận có quy mô dân số xác định chưa phù hợp, chưa đảm bảo lộ trình giảm, giãn dân số đến năm 2050 ở các quận trung tâm theo định hướng quy hoạch phân khu.

Tại tỉnh Bắc Ninh, KTNN khu vực I cho biết, một số đồ án quy hoạch được duyệt, qua kiểm tra cho thấy có chỉ tiêu sử dụng đất bình quân của các khu vực quy hoạch vượt mức tối đa cho phép theo quy chuẩn quy hoạch (50m2/người). Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch bố trí loại hình nhà ở chủ yếu là nhà thấp tầng (liền kề, biệt thự) có diện tích chiếm đất lớn; mặt khác do tỉnh ưu tiên bố trí đất giao thông, cây xanh để đảm bảo tiêu chỉ đô thị loại 1.

“Mặc dù, việc quy hoạch sử dụng đất như vậy đem lại hiệu quả về kiến trúc, cảnh quan nhưng chưa đảm bảo tiết kiệm quỹ đất đô thị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất đô thị về lâu dài”, KTNN khu vực I đánh giá.

Qua kiểm toán, KTNN Khu vực I cho biết, một số đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc trên địa bàn Hà Nội được duyệt chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch cấp trên. Một số đồ án quy hoạch, giấy phép quy hoạch hoặc chấp thuận tổng mặt bằng dự án có các chỉ tiêu quy hoạch chưa phù hợp quy chuẩn hoặc yêu cầu đề ra trong nhiệm vụ quy hoạch như: chỉ tiêu bố trí đất trường học, đất xây dựng công trình văn hóa; chỉ tiêu về mật độ xây dựng. 

Một bất cập khác, theo KTNN Khu vực I là việc một số đồ án quy hoạch phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần. Ví dụ Đồ án quy hoạch phân khu H2-2 tại TP. Hà Nội phải điều chỉnh cục bộ 6 lần; Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Him Lam, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh đến thời điểm kiểm toán phải điều chỉnh 4 lần.

Về việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của các dự án theo quy hoạch điều chỉnh còn một số bất cấp như: tại TP. Hà Nội có 3 dự án còn tồn tại trong việc xác định tiền sử dụng; tại tỉnh Bắc Ninh qua kiểm toán có 2 đồ án sau điều chỉnh quy hoạch chưa kịp thời xác định và điều chỉnh giá đất theo quy hoạch được điều chỉnh.

KTNN Khu vực I cũng chỉ rõ, việc thực hiện thủ tục lập, thẩm định phê duyệt đồ án quy hoạch cấp giấy phép xây dựng còn một số hạn chế. Ví dụ, thời gian thẩm định, phê duyệt một số đồ án quy hoạch còn chậm; thời gian lấy ý kiến cộng đồng chưa đảm bảo; chưa thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch theo đúng quy định; nội dung thẩm định đồ án còn chưa đảm bảo đầy đủ và rõ ràng các kết luận theo quy định tại Điều 43 Luật Quy hoạch; nội dung đồ án được duyệt còn thiếu, hoặc thể hiện chưa rõ một số nội dung quan trọng như tính toán xác định quy mô dân số, số học sinh, tính toán xác định diện tích đất cho hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của nội tại khu quy hoạch và các khu xung quanh, chưa thể hiện rõ diện tích đất cây xanh trên tổng mặt bằng làm căn cứ kiểm tra, đánh giá...

Bên cạnh đó, công tác cắm mốc giới theo đồ án quy hoạch chưa được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, như: chưa phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới, chưa lưu trữ hồ sơ cắm mốc giới theo đúng quy định tại Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị.

Trong công tác cấp giấy phép xây dựng, qua kiểm toán, KTNN Khu vực I nhận thấy, còn có các chỉ tiêu vượt quy chuẩn, hoặc chưa phù hợp với quy hoạch hoặc thiết kế được duyệt về mật độ xây dựng, số tầng cao, cao độ các tầng, diện tích. Trong đó, UBND quận Hà Đông cấp 14 giấy phép sai mật độ xây dựng, 1 giấy phép tăng số tầng so với quy hoạch; tại UBND quận Nam Từ Liêm có 5 giấy phép sai mật độ, 1 giấy phép sai diện tích. Cùng với đó, nội dung thông tin một số giấy phép tại Sở Xây dựng chưa đảm bảo phù hợp với thông tin, số liệu trong hồ sơ trình cấp phép.

“Công tác quản lý xây dựng sau cấp giấy phép còn hạn chế, chưa đảm bảo hiệu quả. Số công trình phải xử lý vi phạm qua thanh, kiểm tra còn lớn. Qua kiểm tra hiện trường, KTNN còn phát hiện một số công trình có thực tế xây dựng chưa tuân thủ hoàn toàn giấy phép xây dựng về mật độ xây dựng, cao độ công trình, kiến trúc mặt ngoài, khoảng lùi, công năng sử dụng, hình dáng kiến trúc mặt ngoài”, KTNN Khu vực I nhấn mạnh.

Lưu Nguyên Sơn