BQL Khu kinh tế Quảng Bình vừa phòng, chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 18:42, 02/07/2021
Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội
Thời gian qua, để tiếp tục tăng cường đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp sản xuất tại các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong các KCN, KKT trên địa bàn. Hướng dẫn các doanh nghiệp về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại KCN, KKT.
Yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 và đồng thời chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của mình; chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện việc người lao động tại các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Khu kinh tế Quảng Bình thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. |
Tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch...đến các doanh nghiệp về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 về việc ban hành hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động.
Đối với sản xuất kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, tại các KCN, KKT đã cấp chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký là 195 tỷ đồng. Tính đến nay, thu hút được 155 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư 105 nghìn tỷ đồng, trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đăng ký là 10 triệu USD. Tổng doanh thu ước khoảng 1.910 tỷ đồng, đạt 130% so với cùng kỳ năm 2020 trong đó tập trung vào một số mặt hàng chính như: Gỗ dăm, Gas chiết nạp, Gạch tuynel, Bê tông tươi, Phân bón NPK S.việt, Sản phẩm may mặc...;Giá trị xuất khẩu ước khoảng 1.080 tỷ đồng, đạt 109% so với cùng kỳ năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước khoảng 141 tỷ đồng, đạt 142% so với cùng kỳ; Thu hút lao động: Số lao động hiện có tại các KCN, KKT là 4.581 người, đạt 95% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân người lao động khoảng 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình là công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KKT.
Trong đó, tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc và thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế).
Công tác vệ sinh môi trường trong sản xuất tại KCN, KKT luôn được đảm bảo. |
Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng KKT, KCN để đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án được thực hiện thường xuyên đảm bảo nhu cầu nhà đầu tư.
Tăng cường việc cung cấp, sản xuất nước sạch và đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường; tăng cường kiểm tra, bảo vệ vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường.
Yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp thực hiện bố trí vị trí làm việc tạo môi trường thông thoáng, làm việc theo ca, giữ khoảng cách cả khi làm việc và trong ăn uống. Các vật dụng của từng công nhân sau ăn uống sẽ được vệ sinh riêng để đảm bảo an toàn tránh lây lan.
Trong khuôn viên của từng đơn vị luôn phải vệ sinh môi trường. Đối với các vật dụng y tế như: khẩu trang, đồ bảo hộ thì mỗi doanh nghiệp đều phải có vị trí thu gom riêng. Nước thải, chất thải dầu mỡ, chất thải rắn, chất thải hữu cơ sẽ thực hiện hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện thu gom, sau đó phân loại vận chuyển đến khu vực xử lý đúng nơi quy định. Những xe tải vào, ra vận chuyển hàng hóa trong KCN, KKT phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.
Bên cạnh những kết quả tích cực thì việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số KCN, KKT tại Quảng Bình chưa đồng bộ, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao, khả năng tạo việc làm, thu hút lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao còn nhiều hạn chế. Quá trình quy hoạch, phát triển KCN, KKT cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác bồi thường GPMB và tái định cư do việc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất, cản trở thi công trái phép; Tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến phức tạp nên tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, lao động và xuất khẩu.
Nhiệm vụ quan trọng trong 6 tháng cuối năm 2021 mà Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình đề ra, như: Sẽ tiếp tục tăng cường công tác đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại KCN, KKT. Thực hiện nghiêm túc những giải pháp, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bện Covid-19; Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động ảnh hưởng của đại dịch đến doanh nghiệp và người lao động.
Kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các sai sót, kiến nghị của nhà đầu tư. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đối với các dự án đã được cấp đất nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai theo quy định về Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
BOX: “Các Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 71 nhà máy đang hoạt động trên tổng số 137 dự án đầu tư, với tổng số lao động hơn 5.000 người lao động. Thường xuyên có đối tác kinh doanh, người lái phương tiện vận tải ngoại tỉnh đến làm việc tại doanh nghiệp nên nguy cơ tiếp xúc và lây lan dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất là rất lớn. Vì vậy việc tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp tại các KCN, KKT là hết sức quan trọng, ngăn chặn nguy cơ lấy nhiêm dịch bệnh vào các KCN, KKT và trên địa bàn”, ông Lê Thanh Sơn-Chánh văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình cho biết