Thu hút tài chính tư nhân cho tăng trưởng xanh
Môi trường - Ngày đăng : 14:30, 01/07/2021
Cơ hội từ xu thế giảm phát thải toàn cầu
Ước tính, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang gây thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030. Để giảm thiểu thiệt hại và đối phó hiệu quả với những thách thức về BĐKH, Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, đến tháng 2/2021 đã có 124 quốc gia công bố cam kết mục tiêu trung hòa các-bon (carbon neutral) hay phát thải cân bằng (Net Zero) - thông qua triển khai các giải pháp cân bằng giữa lượng khí nhà kính được tạo ra và lượng khí nhà kính được loại bỏ, làm sao đạt đến phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Richard Baron, Giám đốc điều hành Tổ chức 2050 Pathways Platform, cam kết chưa phải tất cả. Điều quan trọng là các quốc gia cần xây dựng các chiến lược phát thải thấp trong dài hạn - vốn là một phần trong Thỏa thuận Paris mà Việt Nam tham gia. Điều này giúp các quốc gia nhìn nhận, đánh giá tính phù hợp của các mục tiêu ngắn hạn trong tầm nhìn dài hạn, đảm bảo cân bằng việc giảm nhẹ phát thải với phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, xây dựng chính sách và chiến lược khí hậu tương thích với các ưu tiên phát triển.
Gần đây nhất, Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược TTX). Đây là cơ hội để định hướng phát triển theo hướng phát thải thấp từ vi mô/ngành đến hiệu quả kinh tế vĩ mô, trong đó có tính đến tương tác thị trường quốc tế phù hợp với khả năng quốc gia, cơ hội kinh doanh, cạnh tranh, việc làm... Việt Nam cũng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều mặt hàng xuất khẩu. "Thế giới đang hướng tới các sản phẩm dựa trên sản xuất phát thải thấp và các quốc gia tham gia vào sự chuyển mình này sẽ có lợi thế hơn trong thị trường toàn cầu" - ông Richard nhận định.
Khi công nghệ các-bon thấp ngày càng trở nên thông dụng và rẻ hơn, các tiêu chuẩn quốc tế mới có thể ra đời để thúc đẩy việc áp dụng nhanh hơn các công nghệ này, đặc biệt là các ngành công nghiệp, sản xuất năng lượng và giao thông vận tải. Từ việc nâng cao dần yêu cầu của thị trường sẽ tiến tới mở rộng cho các ngành kinh tế khác, áp dụng trong mua sắm công - tư, khuyến khích phát triển sản phẩm các-bon thấp.
Bên cạnh đó, giới tài chính ngân hàng cũng ủng hộ Thỏa thuận Paris bằng các chương trình cho vay tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi các-bon thấp của các quốc gia khách hàng. Và một chiến lược dài hạn với các mục tiêu cụ thể là lợi thế của các quốc gia nếu muốn tranh thủ nguồn vốn đầu tư này.
Chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách, đầu tư tư nhân đang dần thể hiện vai trò quan trọng. Theo TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn thực hiện Chiến lược TTX 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tổng vốn đầu tư tư nhân, bao gồm các nguồn từ dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ sản xuất, hộ gia đình tham gia thực hiện Chiến lược đến năm 2020 đạt gần 2,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo (NLTT) và một phần hiệu quả năng lượng.
Mặc dù vậy, khó khăn hiện nay của hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là khó tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại cho các dự án đổi mới, thay thế công nghệ và thiết bị có hiệu năng sử dụng năng lượng cao; cơ chế chính sách hỗ trợ giá điện tái tạo chưa có định hướng cụ thể dẫn dắt, chính sách chưa nhất quán và thiếu đồng bộ nên nên các chủ đầu tư thường rơi vào thế bị động; thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ và phù hợp cho phát triển NLTT trong khi năng lực quản lý và hỗ trợ đầu tư các dự án NLTT tại địa phương còn yếu kém….
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới đây, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Chiến lược TTX 2030. Nội dung Dự thảo hướng tới nền kinh tế trung tính các-bon (carbon neutral) trong dài hạn là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh mới phục hồi xanh hậu Covid-19. Các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs) và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Theo TS. Nguyễn Thanh Nhơn, Giám đốc chiến lược của Shire Oak International, hiện nay, nếu so sánh về giá, chi phí đầu tư NLTT và truyền thống tại Việt Nam không chênh lệch quá nhiều. Để tạo động lực cho doanh nghiệp, hành lang pháp lý hướng đến Net Zero cần có chính sách để phát huy chuỗi giá trị của NLTT, cụ thể công nhận các giá trị giảm phát thải để tham gia thị trường các-bon, ưu đãi trong xuất khẩu các sản phẩm sử dụng NLTT để sản xuất, ưu đãi thuế, đưa công nghệ các-bon thấp chất lượng cao vào thị trường Việt Nam… Chiến lược TTX cần có các giải pháp rất cụ thể, hướng tới lợi ích của doanh nghiệp và các nhà sản xuất để tạo động lực phát triển trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, chủ trương và hành lang pháp lý vĩ mô khá đầy đủ, nhưng khi triển khai xuống địa phương thì doanh nghiệp đều khó tiếp cận.