Cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 14:29, 01/07/2021

(TN&MT) - Để khuyến khích phát triển thị trường đất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến.

Đất nông nghiệp bị hạn chế quyền sử dụng

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đóng góp của chính sách đất đai trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là rất lớn, việc quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã tạo ổn định sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề giao đất, cho thuê đất có nhiều điểm đổi mới, tăng QSDĐ, nâng thời gian giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển QSDĐ…

Nhờ việc tăng các QSDĐ của người sử dụng đất tại Luật Đất đai 2013, đã xuất hiện ngày càng nhiều hình thức giao dịch QSDĐ nông nghiệp: chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế. Người sử dụng đất có thêm các quyền về chuyển QSDĐ như cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng QSDĐ.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ổn định sản xuất nông nghiệp.

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại 3.700 hộ ở 12 tỉnh, thị trường bán đất hoạt động nhộn nhịp hơn thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ chuyển nhượng đất trung bình của 12 tỉnh lên tới 16,6%, trong khi tỷ lệ hộ cho thuê đất nông nghiệp chỉ chiếm 7,1%. Những doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp đã thay đổi nền sản xuất, đã và đang xuất hiện những đơn vị sử dụng hàng nghìn ha, cũng như hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn có hàng trăm hộ tham gia, với diện tích trung bình lên đến 250 ha.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích nông dân “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi, chuyển nhượng đất cho nhau để khuyến khích nông dân tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất quy mô lớn, đã giao và cho thuê phần lớn diện tích đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Mức độ manh mún trong sản xuất nông nghiệp được cải thiện.

Đặc biệt, vấn đề tài chính đất đai đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm bằng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Năm 2020 có 1.055 doanh nghiệp mới thành lập, nâng tổng số lên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.

Quy định về quản lý, sử dụng đất lúa linh hoạt đã chuyển đổi được 500 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang loại hình khác. Giá trị sản phẩm năm 2020 đạt 100,2 triệu đồng/ha, tăng 1,3 lần so với năm 2013…

Tuy nhiên, theo TS. Trần Công Thắng, chính sách đất đai còn các vướng mắc, hạn chế như quyền sử dụng đất nông nghiệp rất ít được bảo vệ đối với đất vượt hạn mức. Hạn mức chuyển nhượng không quá 10 lần so với hạn mức giao đất, diện tích vượt phải thuê của Nhà nước, tức là doanh nghiệp phải trả tiền hai lần.

Đồng thời, đất nông nghiệp bị hạn chế về đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, diện tích, thời hạn sử dụng và khả năng bị Nhà nước thu hồi cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Không cho phép hộ có diện tích trên lớn hơn hạn mức nhận chuyển nhượng QSDĐ.

Thêm nữa, quy định về chuyển mục đích sử dụng đất chưa rõ ràng nên nhiều địa phương cán bộ quản lý đất đai chưa phân biệt rõ chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 57) với chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và có hành vi ngăn cản, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua việc chuyển đổi giống cây trồng của người dân.

Về tài chính đất đai, mặt hạn chế của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tạo tâm lý ỷ lại, không khuyến khích sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Trong khi đó, mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.

Chưa có quy định rõ ràng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân. Thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý đối với các hộ không còn tha thiết sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh nên vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”, mặc dù đã ngừng canh tác…

Cần sử dụng hạn mức hiện nay làm khởi điểm

Từ những vướng mắc, hạn chế nêu trên, TS. Trần Công Thắng kiến nghị cần công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch. Siết chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt và quá trình điều chỉnh phải được công khai. Linh hoạt sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực, rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với điều kiện thực tế. Số hóa dữ liệu về đất, đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai dùng chung giữa các cơ quan chính phủ.

 Tính đến hết ngày 31/12/2018, theo số liệu của Bộ TN&MT, Việt Nam có 82% diện tích là đất nông nghiệp, trong đó đất trồng trọt chiếm 42%, đất rừng 55%, diện tích nuôi trồng thủy sản 3%. Trong đất trồng trọt, 4,12 triệu ha (chiếm khoảng 12%) là đất chuyên canh lúa.

Về chính sách tài chính đất đai, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến... Khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

 Cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất thống nhất, minh bạch, ổn định, trên cơ sở đó, các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất cần sửa theo hướng, thay vì quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép, Luật nên quy định về điều kiện để được chuyển mục đích sử dụng đất sẽ thuận lợi hơn cho người sử dụng đất. Từ đó cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay vì cho phép, chỉ cần thanh, kiểm tra xem người sử dụng đất có đủ điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất hay không. Ví dụ đổi hạn mức 30%, 70%, trên 70% bằng phương thức định lượng cụ thể. Ví dụ: phân định mức ảnh hưởng từ 500 m2 đất nông nghiệp, trên 1000 m2 đất nông nghiệp…

Trường Giang