Lao động ngành Điện: An toàn trên hết

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 23:47, 30/06/2021

(TN&MT) - Việc đảm bảo an toàn lao động trong ngành Điện cần phải đặt lên trên hết, là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc thù lao động ngành Điện là sự tiềm ẩn rủi ro rất cao, bởi chỉ riêng điện thôi đã là nguồn nguy hiểm cao độ đối với bất kỳ ai khi tiếp xúc với nó. Người lao động ngành Điện ngoài việc đối diện với nguồn nguy hiểm này còn phải làm việc trong các tư thế khó khăn, dễ xảy ra tai nạn như trên cao, trong trạm điện, trên hệ thống đường dây tải điện, trong các nhà máy sản xuất điện với sự đa dạng điều kiện môi trường làm việc khắc nghiệt như nắng nóng, lạnh giá, đêm tối, mưa gió và bão lũ… Vì thế, đã từ rất lâu, ngành Điện đặt yêu cầu an toàn lao động lên trên hết.

Ngoài hệ thống các quy trình, quy phạm nghiêm ngặt trong công tác quản lý, vận hành, sản xuất; công tác kiểm tra, sát hạch, tập huấn thường xuyên về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bảo đảm an toàn lao động, các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường xuyên trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ an toàn; các biện pháp kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của người lao động là điều kiện tiên quyết để không xảy ra tai nạn

Điều cần nhấn mạnh là, yếu tố chủ quan của người lao động, đặc biệt là những người lao động trực tiếp đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm an toàn lao động. Ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của người lao động là điều kiện tiên quyết để không xảy ra tai nạn.

Ý thức này thể hiện ra bằng hành vi như kiểm tra kỹ lưỡng thiết bị bảo hộ lao động, không bỏ qua một chi tiết có thể gây mất an toàn, có một thái độ cẩn trọng trong suốt quá trình làm việc, không quên bất cứ điều gì; thực hiện đầy đủ và đúng các biện pháp an toàn cần thiết đối với công việc như có lệnh công tác, phiếu công tác, phiếu thao tác, các kỹ năng thực hành theo đúng quy trình, quy định trong công tác khi tiếp xúc, làm việc trên hệ thống lưới điện.

Yếu tố sức khỏe, tâm trạng của người lao động cũng có tác động không nhỏ đến việc đảm bảo an toàn lao động. Người phụ trách, từ tổ trưởng trở lên phải hết sức quan tâm tới yếu tố sức khỏe và trạng thái tâm lý của người công nhân tác nghiệp. Chỉ một thoáng lơi là, một phút mất tập trung, một chút chủ quan là tai nạn có thể xảy ra.

Tai nạn lao động xảy ra ở bất cứ ngành nghề nào cũng là một sự cố thương tâm, gây thiệt hại nhưng riêng với ngành Điện thì một tai nạn lao động xảy ra không chỉ gây thương tích cho người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp và tức thời đối với cuộc sống lao động, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của một cộng đồng.

Vì thế, việc đảm bảo an toàn lao động trong ngành Điện cần phải đặt lên trên hết, là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; bên cạnh đó, bản thân người lao động ngoài việc tuân thủ và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp an toàn trong lao động thì cũng cần thể hiện rõ tính chủ động có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

Các đơn vị cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, lãnh đạo; công tác ATVSLĐ cần thực hiện một cách chủ động, quyết liệt, đi vào thực chất, hiệu quả không mang tính đối phó, hình thức; các công đoàn trực thuộc nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giám sát đoàn viên và người lao động chấp hành đúng quy trình an toàn, xây dựng văn hóa an toàn để hạn chế, đẩy lùi các vụ tai nạn lao động để an toàn lao động là hạnh phúc đối với mỗi người và toàn xã hội.

PV