Cú huých phục hồi sức khỏe doanh nghiệp giữa tâm dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 21:15, 30/06/2021
Tin ở hoa hồng
Kể từ đầu mùa dịch 2020 thì đợt dịch thứ tư này đã đánh thẳng vào các khu công nghiệp - những “công xưởng” chủ lực của nền kinh tế nước ta như Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện dịch đã có mặt ở một số nơi có đông các khu công nghiệp, khu chế xuất, xí nghiệp, nhà máy phía Nam và vẫn tiếp tục lăm le xâm phạm rộng. Thế nhưng trong khó khăn, con số từ Tổng cục Thống kê lại đưa ra những tín hiệu vui, đó là dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nửa đầu năm 2021, nhiều chỉ số của nền kinh tế vẫn có mức số tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng quý II/2021 đạt 6,61%, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%. Khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Tiến độ duy trì sản xuất và kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt đúng đắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trong thực hiện mục tiêu kép. Ảnh: VGP |
Cùng với đó, sự hồi phục của nông nghiệp cũng giúp nền kinh tế tăng trưởng cân đối hơn. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản dần hồi phục do nhu cầu nhập khẩu một số loại thuỷ sản như cá tra, tôm... tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại.
Điểm sáng đáng chú ý nữa là trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 93.200 DN, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.
Điều này cho thấy dù khó khăn nhưng các DN, các chủ đầu tư đang đánh giá cao môi trường sản xuất kinh doanh, cũng như sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam thực hiện quyết tâm duy trì sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Về lĩnh vực đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng DN, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Trong một đánh giá chung cho thấy, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ước đạt 57,7% dự toán năm, khá cao nếu so sánh với nhiều kỳ nửa đầu năm thường chỉ đạt dưới 50%.
Tốc độ tăng trưởng 6 tháng qua khẳng định việc hiện thực hoá quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kiên định thực hiện mục tiêu kép trong năm 2021 đã đạt thành công bước đầu. Và một điều khó tin nhưng lại khá thuyết phục đó là, tuy dịch Covid-19 làm nhiều ngành nghề sụt giảm nhưng khó khăn ấy lại trở thành động lực để chúng ta thay đổi phương thức từ mua - bán truyền thống sang trực tuyến, điều này đã thúc đẩy các cơ quan hữu quan cần lập tức xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và một số kỹ năng (ví dụ: tiêu thụ nông sản) trên các nền tảng số.
Chuyển hóa niềm tin thành năng lượng tích cực
Chúng ta có quyền tin ở hoa hồng và niềm tin ấy sẽ ý nghĩa hơn nếu được biến thành hành động, vì vậy, mỗi địa phương, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân phải kiên định quyết tâm cùng cả nước vượt khó khăn; chống dịch hiệu quả; ổn định, duy trì lao động sản xuất kinh doanh đẻe góp phần phát triển kinh tế. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị phải xuất phát từ đặc thù riêng mà nghiên cứu, áp dụng những giải pháp thật tốt để đạt mục tiêu kép đã đề ra.
Dù đạt kết quả khả quan bước đầu nhưng thời gian tới, nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức... Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ DN và người lao động nhưgiãn thuế, giảm tiền thuê đất, miễn 30 loại phí, hỗ trợ công nhân, các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh…
Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 với 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là: Tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững; Các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh;…
Nằm trong số đối tượng trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, tới đây, DN, người lao động sẽ tiếp tục được thụ hưởng một số chính sách ưu tiên nhằm tháo gỡ khó khăn. Điều này thể hiện sự quan tâm về bản chất đối với sản xuất kinh doanh bởi vì các khu công nghiệp chính là những “công xưởng” chủ lực của nền kinh tế. Chú trọng phòng chống dịch và ưu tiên để giữ vững các khu công nghiệp cũng như quan tâm ưu tiên người lao động sẽ là một động thái của Chính phủ duy trì thành công một trong những động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế.
Các khu công nghiệp chính là những “công xưởng” chủ lực của nền kinh tế. Ảnh: VGP |
Trên lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “5K + vaccine”, công nhân, người lao động trong các KCN, KCX, xí nghiệp, nhà máy… sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin.
Về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Rõ ràng và thiết thực, giải pháp của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 63/NQ-CP có tác động trực tiếp sâu sắc đến doanh nghiệp và người lao động, động viên về mặt tinh thần; đồng thời là chỗ dựa an toàn mạnh mẽ để các DN, người lao động vững tâm vượt qua khó khăn trong đại dịch, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.