Hà Tĩnh: “Gỡ khó”- Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 20:43, 30/06/2021

(TN&MT) - Tình hình phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Thực hiện “mục tiêu kép”- Tăng cường phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Hà Tĩnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Quyết tâm “gỡ khó”!

Thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH sáu tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tăng cường phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp, tham mưu UBND tỉnh có biện pháp “gỡ khó”.

Doanh nghiệp tại Hà Tĩnh nỗ lực duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh

Thống kê đến ngày 10/6, Hà Tĩnh có 508 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 3.622,13 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 4.299 lao động (tăng 27,32% về số doanh nghiệp, tăng 54,70% về vốn đăng ký, tăng 49,89% về số lao động so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử tăng cao, chiếm gần 60% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Để khống chế sự lây lan dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động dịch vụ không thiết yếu tại vùng cách ly y tế đã làm cho hoạt động thương mại dịch vụ tháng sau giảm mạnh so với tháng trước.

Mặc dù vậy, nhờ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới nên hoạt động thương mại dịch vụ tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.454,98 tỷ đồng (tăng 15,02%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp có tăng trưởng khá so với cùng kỳ, đóng góp chủ lực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh trong sáu tháng đầu năm.

Có thể kể đến như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS): Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu bị “đứt gãy” do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bằng những giải pháp đồng bộ và kinh nghiệm trong ngành sản xuất thép thế giới, FHS đã từng bước vượt qua khó khăn, lấy lại thị trường xuất khẩu, ổn định việc làm và thu nhập cho gần 7.000 lao động trong sáu tháng đầu năm 2021.

Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hà Tĩnh: Doanh nghiệp Hà Tĩnh sẽ nỗ lực đồng hành cùng với tỉnh nhà trong việc đẩy lùi dịch bệnh, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, không để dịch bệnh làm gián đoạn. (Ảnh: Ông Thắng trả lời Phóng viên Báo TN&MT )

Ông Võ Trọng Hải- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và khống chế khá nhanh. Khó khăn nhất hiện nay là giải ngân đầu tư công còn đạt thấp, do đó phải vào cuộc đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ kịp thời. Mặt khác, cần huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia hoạt động xuất khẩu, xuất nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất, hàng hóa; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường… Hà Tĩnh xây dựng Đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025. Đồng thời ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyên container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.

Hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường

Do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh trong phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, quyết đoán, bám sát tình hình để quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm cao, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty TNHH Hưng Nghiệp Fomosa tiếp tục là doanh nghiệp đầu tàu, tạo nguồn thu, giải quyết việc làm cho người lao động tại Hà Tĩnh

Với việc thực hiện giãn cách xã hội tại thành phố Hà Tĩnh và phong tỏa 1 số địa bàn các huyện Hương Sơn, Thạch Hà, Lộc Hà vào đầu tháng 6 vừa qua tạo ra bất lợi lớn đến duy trì sản xuất, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Điều dễ nhận thấy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, việc tạo điều kiện sản xuất, huy động nguồn vốn, thu hút đầu tư phát triển rất cần thiết.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2021, ông Hoàng Trung Dũng- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định quan điểm: Hà Tĩnh phát triển Kinh tế- Xã hội theo hướng xanh và bền vững, đảm bảo quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Theo đó, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nhưng không dàn trải, không nóng vội, phải lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quan tâm, đáp ứng nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã chuyển trạng thái hoạt động, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị và thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp không để gián đoạn thời gian do dịch bệnh, vừa an toàn trong phòng dịch.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco tăng chi phí phòng dịch, nỗ lực không để xâm nhập vào trang trại

Còn theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, trước tình hình dịch Covid 19 lây lan ra cộng đồng, để bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch, hạn chế thiệt hại, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra nhiều văn bản, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn giảm phát sinh chất thải rắn, phân loại đúng, không để lẫn chất thải thông thường và chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 nhằm thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Ngoài ra, phải đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh trong quá trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,38%, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.495 tỷ đồng, tăng 23,12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,53% dự toán.

 

Đức Cảnh