Hải Phòng: Chủ động nhiều biện pháp chống dịch tại các khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu kép
Xã hội - Ngày đăng : 20:42, 30/06/2021
Thành phố Hải Phòng hiện có 13 Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đang hoạt động với trên 140.000 lao động, tập trung chủ yếu: VSIP, Tràng Duệ, An Dương, Nomura, Đình Vũ. Số lượng người lao động từ các địa phương khác đến Hải Phòng chiếm khoảng 30% tổng số lao động. Bởi lượng người tập trung đông như vậy, khu vực này cần có các biện pháp nghiêm ngặt để chủ động ứng phó phòng – chống dịch trong mọi tình hu ống.
Lực lượng chức năng kiểm soát ra vào KCN |
Toàn lực hỗ trợ sản xuất
UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 3107/UBND-VX ngày 15/5/2021 về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý khẩn trương chỉ đạo các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp: thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID, dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn; không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc.
Khi đã phát hiện trường hợp F0, khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo (giãn cách, cách ly phân lập từng phân xưởng, từng tổ sản xuất; đeo khẩu trang tuyệt đối; phân từng cung giờ để cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt…), hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định. Tổng hợp danh sách cán bộ, nhân viên, người lao động gửi cơ quan chủ quản tổng hợp.
UBND thành phố giao Sở Công Thương, BQL Khu kinh tế, UBND các quận, huyện tổng hợp danh sách cán bộ, nhân viên, người lao động theo phạm vi quản lý, gửi Sở LĐTB&XH tổng hợp. Sở LĐTB&XH lập mẫu biểu tổng hợp danh sách người lao động của các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đảm bảo các tiêu chí phân loại nhân lực theo mức độ, có thể cho nghỉ hoặc thay thế.
Lực lượng chức năng kiểm soát y tế đối với người ra vào tại các chốt cửa ngõ thành phố
Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, ngày 17/5/2021 UBND Tp Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 3130/UBND-VX, theo đó yêu cầu rà soát, quản lý, lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc, công nhân, người lao động đến từ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh.
UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương, BQL khu kinh tế, UBND các quận, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý rà soát toàn bộ danh sách công nhân, người lao động đến từ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh từ ngày 1/5/2021 để quản lý, lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không để lọt những ca nguy cơ cao trong các khu công nghiệp. Giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện khẩn trương lấy mẫu, làm xét nghiệm sàng lọc.
Thực hiện chỉ đạo, tính đến ngày 24.5 đã có khoảng 4.100 chuyên gia nước ngoài đã được xét nghiệm; 6.300 công nhân đang làm việc trong Khu Kinh tế được lấy mẫu.
Sáng 25/5, ngành Y tế Hải Phòng đã tiếp tục thực hiện xét nghiệm cho khoảng gần 5000 công nhân lao động trong các KCN của thành phố Hải Phòng, trong đó KCN VSIP 800 lao động, KCN Nomura 1000 lao động, Đình Vũ 1000 người, Nam Đình Vũ hơn 800 người.
Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Trần Anh Cường cho biết: "Việc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân được thực hiện theo hình thức gộp mẫu (gộp 5 mẫu). Sau đợt này, ngành y tế sẽ mở rộng xét nghiệm lớn hơn cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác. Dự kiến, giai đoạn này có khoảng 30.000 công nhân ( tương đương khoảng 20% công nhân trong KCN, KKT) được lấy mẫu xét nghiệm".
Ngày 25.5, ông Trần Anh Cường, Giám đốc sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hải Phòng đã có buổi kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm tại công ty TNHH Hợp Thịnh ở Khu công nghiệp Nomura trên địa bàn huyện An Dương. |
Doanh nghiệp chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Tại KCN Nam Cầu Kiền, Công ty cổ phần Shinec đã thành lập tổ công tác phản ứng nhanh để phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phòng chống dịch. Ngay sau khi thành lập, tổ công tác đã tiến hành họp vạch ra những kế hoạch về việc ứng phó với dịch. Tổ công tác đã đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp trong KCN tiến hành đăng ký lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Cùng với đó, liên tục cập nhật các thông báo và khuyến cáo của BYT đến CBCNV, đối tác, KH, NĐT. Tạo mã QR của Công ty cổ phần Shinec để KH, NĐT có thể khai báo y tế trực tuyến.
Đối với CBCNV, đối tác, khách hàng trước khi vào làm việc tại văn phòng Nam Cầu Kiền đều di chuyển qua buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tại cổng vào khu làm việc của mỗi doanh nghiệp trong KCN, đều có hướng dẫn phòng ngừa, trang bị nước muối sinh lý, gel rửa tay khô và khẩu trang. Trước khi di chuyển vào toà nhà làm việc, đều có cán bộ phụ trách đo thân nhiệt và có sổ theo dõi thông tin để báo cáo, truy vết. Tại nơi làm việc, yêu cầu 100% đeo khẩu trang khi tiếp xúc với KH, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Tại các khu vực vệ sinh đều bố trí xà phòng và Gel sát khuẩn. Thiết lập nội quy ăn trưa về khoảng cách, tiến hành ăn ca bằng khay. Mọi dụng cụ nhà bếp được vệ sinh sạch sẽ và tráng nước đun sôi.
Phía ngoài khuôn viên công cộng, tiến hành căng dây cấm, ngừng tất cả các hoạt động tham quan vườn Nhật và nhà sách. Phun khử khuẩn các khu vực: nhà xe máy, nhà xe oto, khu Vườn kỷ vật và khuôn viên nhà máy xử lý nước thải tại Vườn Nhật. Tiến hành phun khử khuẩn bằng Cloramin B với tần suất 3 lần/tuần tại các vị trí: Toàn khối văn phòng Shinec, các đơn vị thuê văn phòng tại toà nhà NCK và khu vực nhà ăn.
KCN Nam Cầu Kiền chủ động nhiều giải pháp sáng tạo phòng dịch |
Không lơ là trong bảo vệ môi trường
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec - Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp này đã chủ động đầu tư để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ khi Việt Nam có ca bệnh đầu tiên.
Một thách thức về ô nhiễm môi trường khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc khẩu trang đã qua sử dụng do công nhân vứt bỏ cũng được ban quản lý KCN lưu tâm, quán triệt để có giải pháp xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, NCK đang cùng các doanh nghiệp hoạt động trong KCN nhanh chóng tiếp cận sử dụng công nghệ: thương mại điện tử, kết nối hệ sinh thái kinh doanh để bổ trợ và tạo chuỗi cung ứng hiệu quả hơn; sử dụng công cụ thông minh hỗ trợ quản trị. Qua đó, có thể thích ứng và duy trì hoạt động hiện có để giữ khách hàng và tạo được doanh thu trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh. Cùng với đó, Nam Cầu Kiền cũng tập trung nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu trong việc phát triển các dự án mới. Trong thời điểm này, việc chuyển dịch nguồn lực nhất định trong nghiên cứu phát triển cũng là một hướng đi đúng đắn mà NCK đã thực hiện, đón chờ thời cơ khi đại dịch lắng xuống.