Thế giới phải loại bỏ 1 tỷ tấn CO2 vào năm 2025 để đáp ứng mục tiêu khí hậu
Thế giới - Ngày đăng : 19:00, 30/06/2021
Ô tô di chuyển trên con đường vào một ngày ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Hơn 190 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, nhưng ngay cả khi cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải, nhiều nhà khoa học cho rằng vẫn cần các công nghệ loại bỏ khí thải để đáp ứng mục tiêu.
“Nếu không có hành động để loại bỏ 1 Gigatonne (Gt) phát thải âm trên toàn cầu vào năm 2025, sẽ không thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C”, báo cáo của CNE và công ty tư vấn McKinsey cho biết.
Theo báo cáo, các quốc gia trên thế giới sẽ cần phải loại bỏ một tỷ tấn CO2 khỏi bầu khí quyển vào năm 2025 và hơn một tỷ tấn hàng năm sau đó nếu muốn đạt được mục tiêu khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
Báo cáo cho biết, các dự án đang thực hiện có thể loại bỏ khoảng 150 triệu tấn CO2 vào năm 2025, rất thiếu so với nhu cầu. Các dự án phát thải âm bao gồm năng lượng sinh học với công nghệ thu và lưu giữ khí thải carbon, công nghệ thu giữ và lưu giữ trực tiếp khí thải từ không khí và các giải pháp khí hậu tự nhiên như trồng rừng.
Hiện tại, công nghệ loại bỏ khí CO2 rất tốn kém và mặc dù nhiều nước trên thế giới có các sáng kiến nhằm định giá phát thải CO2 nhưng mức giá này quá thấp để khuyến khích các dự án mới. Báo cáo cho biết việc mở rộng quy mô công nghệ sẽ dẫn đến chi phí thấp hơn, với chi phí trung bình có thể là 30-100 pound (41-138 USD) cho mỗi tấn CO2 được loại bỏ vào năm 2050.
Will Gardiner, Giám đốc điều hành của Drax (DRX.L), thành viên của CNE đang tìm cách phát triển một nhà máy điện âm phát thải sử dụng sinh khối và thu giữ carbon, cho biết các quốc gia có thể thanh toán công nghệ này bằng cách cấp tín dụng thuế cho mỗi tấn CO2 được loại bỏ.
Các thành viên khác của CNE, bao gồm hơn 20 công ty, nhà đầu tư và hiệp hội thương mại, trong đó có Ngân hàng Mỹ và Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI).