Ghi nhận thêm 115 ca mắc COVID-19 trong nước
Xã hội - Ngày đăng : 15:22, 30/06/2021
Ảnh minh họa |
Diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam
Tính từ 6h đến 12h30 ngày 30/6 có 116 ca mắc mới (BN16508-16623), bao gồm 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang và 115 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (63), Bình Dương (24), Hưng Yên (9), Bắc Giang (8), Bắc Ninh (5), Phú Yên (2), Long An (1), Bình Định (1), Hải Phòng (1), Bắc Kạn (1). Trong đó, có 112 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 12h30 ngày 30/6: Việt Nam có tổng cộng 14.832 ca ghi nhận trong nước và 1.791 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 13.262 ca, trong đó có 3.990 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.
Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.070.425 xét nghiệm cho 7.235.755 lượt người.
Thông tin các ca mắc mới
BN16509 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang: nữ, 32 tuổi, địa chỉ tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 28/6, bệnh nhân nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
BN16508 ghi nhận tại tỉnh Long An: nữ, 57 tuổi, địa chỉ tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2.
BN16510 ghi nhận tại tỉnh Bình Định: nam, 46 tuổi, địa chỉ tại Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; là F1 của BN16420, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, tỉnh Bình Định.
BN16511 ghi nhận tại tỉnh Hải Phòng: nữ, 67 tuổi, địa chỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng; là F1 của BN14452, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, TP. Hải Phòng.
BN16512-BN16513 ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: liên quan đến chợ Màng Màng, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 28/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế Thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
BN16514, BN16517, BN16519, BN16521-BN16523, BN16525-BN16526 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
BN16515-BN16516, BN16518, BN16520, BN16524 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 2 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 2 ca liên quan đến Khu 4 - Tiền An, 1 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2.
BN16527-BN16535 ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên: là các trường hợp F1 liên quan đến Công ty tại huyện Yên Mỹ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 29/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
BN16536 ghi nhận tại tỉnh Bắc Kạn: nam, 27 tuổi, địa chỉ tại huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn; liên quan đến Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 30/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trạm Y tế xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn.
BN16537-BN16560 ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: liên quan đến Công ty tại TP. Thủ Dầu Một, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
BN16561-BN16623 ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 54 ca là các trường hợp F1, 3 ca liên quan đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung - Củ Chi, 2 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ - Tân Phú, 2 ca liên quan đến chợ Bình Điền - Quận 8, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Tình hình điều trị
Theo Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 284 ca; số ca âm tính lần 2 với virus SARS-CoV-2 là 121 ca và số ca âm tính lần 3 với virus SARS-CoV-2 là 84 ca.
Bộ Y tế đề xuất Bình Dương thực hiện các biện pháp tổng lực chống dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận Thường trực Đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã ký công văn về việc đề xuất thực hiện các biện pháp bổ sung công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương.
Theo đó, để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện một số nội dung được cụ thể như sau:
Đối với phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp (KCN), tỉnh Bình Dương cần thành lập 100 tổ/đoàn (3-4 người/đoàn) triển khai hướng dẫn, kiểm tra đánh giá công tác phòng, chống dịch cho các KCN và các doanh nghiệp lớn ngoài KCN.
Thành phần tổ/đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá an toàn theo Quyết định 2194 và 2787 của Bộ Y tế bao gồm: Ban quản lý (BQL) KCN, Sở Công thương, Sở Lao động và Thương binh xã hội, các sở ban ngành liên quan và UBND cấp huyện (trừ Sở Y tế và CDC). Trong đó, BQL KCN chịu trách nhiệm, làm đầu mối trình UBND tỉnh thành lập các tổ/đoàn công tác, tổ chức triển khai và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Yêu cầu trong vòng 5 ngày thực hiện xong hướng dẫn, đánh giá an toàn cho các doanh nghiệp và tái kiểm tra 1 tuần/lần để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài KCN.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn vào ngày 21/6/2021 cho 70 cán bộ của Ban QL KCN và các sở ban ngành liên quan của tỉnh để tham gia tổ/đoàn kiểm tra.
Đề nghị thí điểm doanh nghiệp tự triển khai test nhanh COVID-19 cho công nhân và giao CDC hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp. Xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả chi phí mua test nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần trong thời gian có dịch.
Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm quản lý giám sát, truy vết công nhân và triển khai tại toàn tỉnh Bắc Giang hiệu quả hoặc phần mềm Atalink. Do đó, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Thông tin truyền thông tỉnh Bình Dương liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang để nhận phần mềm, nghiên cứu áp dụng quản lý công nhân, truy vết khi có xuất hiện ca F0 trong KCN.
Chỉ đạo việc thành lập tổ an toàn COVID trong các doanh nghiệp. Mỗi 1 phân xưởng/tổ/bộ phận sản xuất phải có 1 tổ an toàn COVID hàng ngày đi kiểm tra giám sát thực hiện 5K trong phân xưởng. Kịp thời phát hiện các trường hợp có bất thường về sức khỏe, báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Giao Sở Công an, Sở Giao thông vận tải điều tiết giao thông trong giờ cao điểm (đầu giờ sáng và cuối giờ chiều) tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại các KCN.
Đề nghị các doanh nghiệp xem xét việc bố trí tối thiểu 20%-50% công nhân ăn ở và làm việc tại doanh nghiệp để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi có ca F0 trong doanh nghiệp.
Bộ phận Thường trực Đặc biệt của Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chịu trách nhiệm điều hành quản lý toàn diện các khu cách ly tập trung. Các đơn vị y tế chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ về chuyên môn y tế, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch, khảo sát để mở rộng các khu cách ly tập trung khi có các ca F1 số lượng đông.
Đề xuất triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, tại doanh nghiệp/ký túc xá doanh nghiệp (nếu có điều kiện) để sẵn sàng áp dụng khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Bộ phận thường trực của Bộ Y tế đã triển khai tập huấn, hướng dẫn cho Sở Y tế, CDC và Trung tâm y tế cấp quận, huyện về công tác phòng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đồng thời cũng đã chuyển giao phần mềm quản lý các khu cách ly tập trung trên toàn tỉnh. Đề nghị Sở Y tế, CDC hiệu chỉnh phần mềm phù hợp và triển khai.
UBND tỉnh chỉ đạo việc thành lập các Tổ giám sát phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tuyến tỉnh và Tổ giám sát tuyến huyện. Mỗi khu cách ly phải đảm bảo yêu cầu thực hiện việc kiểm tra giám sát 1 lần/ngày. Giao bộ phận cụ thể kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong các khu cách ly tập trung.
Ngoài ra, về công tác xét nghiệm, giao cho CDC rà soát năng lực xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn tỉnh (bao gồm năng lực của các đơn vị xét nghiệm công lập và ngoài công lập). Giao cho Sở Y tế, CDC điều phối toàn bộ công tác xét nghiệm trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả các đơn vị xét nghiệm dịch vụ phải báo cáo về cho CDC để quản lý).
Xem xét nghiên cứu cho các đơn vị xét nghiệm dịch vụ được xét nghiệm cho các doanh nghiệp và công khai niêm yết giá xét nghiệm COVID-19. Triển khai quản lý xét nghiệm COVID-19 bằng phần mềm, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác xét nghiệm và trả lời kết quả trên toàn địa bàn tỉnh.
Đối với công tác điều trị, Bình Dương cần rà soát máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị COVID-19 (máy ECMO, máy thở…) để bổ sung kịp thời trong trường hợp dịch bùng phát quy mô lớn.
Kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu dự phòng thành lập cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng nằm tại khu ký túc xá trường đại học, cao đẳng để dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát diện rộng.