Quảng Nam: Cuộc sống người dân bị đảo lộn vì dự án tận thu đất
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:23, 29/06/2021
Khổ sở vì xe chở đất
“Lo sợ”, “bụi bặm”, “không biết bị đâm xe lúc nào”, “đường sá hư hỏng”... là nỗi ám ảnh thường trực của những người dân sống ở gần mỏ đất tại xã Tam Mỹ Đông và thị trấn Núi Thành. Theo người dân địa phương, cuộc sống làng quê nơi đây vốn yên bình. Nhưng kể từ ngày có mỏ đất ở trên địa bàn hoạt động thì cuộc sống người dân bị xáo trộn. Trời nắng thì bụi mù, mưa xuống lầy lội khiến giao thông khó khăn, cuộc sống người dân đảo lộn.
Trục đường ĐH 7 bị hư hỏng nặng do lượng lớn xe chở đất từ khu vực Hòn Một |
Ông Lê Trung Tiến, người dân ở khối 5, thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bức xúc: Mỗi ngày có hàng chục lượt đất từ mỏ đất ngang qua tuyến đường ĐH 7 (đoạn qua thị trấn Núi Thành là Lý Thường Kiệt) để san lấp cho một dự án lớn nằm ở phía Đông QL1A. Đường sá hư hỏng, nhiều xe lo chạy tranh chuyến khiến người dân lo âu về tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
“Trước tết, chính quyền địa phương đã trải thảm nhựa con đường này để dân đón Tết nhưng cũng được vài bữa bong tróc hết. Nhiều người đã bị tai nạn khi lưu thông trên con đường này. Chưa kể xe chạy cũng gây bụi mù mịt, môi trường ô nhiễm. Họ có xịt nước để hạn chế nhưng tình hình cũng không khá hơn. Chúng tôi nhiều lần mang vật dụng ra chặn xe nhưng cũng không ăn thua”- ông Tiến bức xúc.
Phần lớn xe tải chở đất qua đây đều có tổng tải trọng trên 15 tấn ngang nhiên đi qua cầu có tải trọng 8 tấn |
Theo quan sát của PV, các xe tải chở đất có logo của HTX Vận tải Núi Thành hàng ngày trên tuyến đường ĐH 7 mang theo bùn đất rơi vãi khắp mặt đường gây nên tình trạng nhớp nhúa. Mặt đường nhựa bị bong tróc cùng hàng trăm ổ gà tù đọng nước, nhếch nhác.
Chưa hết, đoàn xe chở đất san lấp lưu thông trên tuyến đường ĐH7 đều quá tải so với trọng lượng cho phép của cầu, đường trên tuyến. Cụ thể, tại cầu Nguyễn Phùng (lý trình: KM1+900 đường ĐH7) có biển báo cấm các loại xe có tải trọng toàn bộ xe (tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng hàng đang chở) vượt quá 8 tấn lưu thông, nhưng phần lớn xe tải chở đất qua đây đều có tổng tải trọng trên 15 tấn. Cá biệt, có cả những chiếc “hổ vồ 3 chân” có tổng tải trọng lên đến 24 tấn vẫn ngang nhiên chở đất chạy trên tuyến ĐH7 và qua cầu Nguyễn Phùng. Điều này không chỉ làm hư hại hạ tầng giao thông nông thông mà còn vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Doanh nghiệp “núp bóng” làm trang trại để khai thác đất?
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông cho biết, đoàn xe chở đất hàng ngày chạy qua địa bàn xã đến từ việc khai thác đất tận thu từ dự án làm trang trại nông lâm kết hợp ở khu vực đồi Hòn Một, thôn Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông. Doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép tận thu nguồn đất của dự án là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hưng Đức Vinh theo Quyết định 386/QĐ-UBND ngày 25/1/2018 với trữ lượng khai thác hơn 863.000 m3. Doanh nghiệp này bắt đầu khai thác từ tháng 5/2018 đến 6/2019 thì tạm dừng. Đến tháng 4/2021, doanh nghiệp này bắt đầu khai thác trở lại.
Dự án tận thu đất làm trang trại nhưng bị khai thác nham nhở |
Theo ông Thông, qua theo dõi lưu lượng xe lưu thông trong ngày để khai thác đất số lượng nhiều, lưu thông không có thời gian quy định, tải trọng lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân hai bên đường ĐH7 và ảnh hưởng chất lượng mặt đường các tuyến giao thông trên địa bàn xã. Công ty không thực hiện tưới nước tuyến đường từ đường ĐH7 đến khu vực khai thác gây ô nhiễm môi trường, phát tán lượng bụi lớn. Địa phương đã nhiều lần mời doanh nghiệp đến làm việc để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động khai thác.
“Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này thực hiện không đúng quy định do UBND tỉnh Quảng Nam đề ra. Đến nay, xã vẫn chưa nhận được báo cáo lưu lượng xe, kế hoạch chạy cũng như cam kết bảo vệ môi trường. Người dân liên tục phản ánh, chúng tôi đã kiến nghị với UBND huyện dừng việc tận thu đất tại khu vực đồi Hòn Một” - ông Thông nói.
Nhiều vị trí đất bị múc sâu hàng chục mét để mang đi bán |
Sau khi làm việc với lãnh đạo xã, chúng tôi được cán bộ có chức năng của UBND xã Tam Mỹ Đông đưa đi thực tế tại khu vực đồi Hòn Một, nơi Công ty Hưng Đức Vinh đang khai thác đất san lấp. Hai bên đường vào khu vực khai thác đất này, từ tường rào, cổng ngõ đến cây xanh đều bám bụi dày đặc. Tại hiện trường khai thác, có 3 xe múc cỡ lớn, trong đó có 2 xe đang nổ rền vang, xúc từng gầu đất lên hàng chục chiếc xe tải đang nối đuôi nhau chờ để vận chuyển ra ngoài.
Khi lớp đất tầng phủ bị đào đi bán hết, liệu có thể trồng những loại cây gì tại dự án trang trại này? |
Nhiều quả đồi ở khu vực này bị đào xới nham nhở, có nơi bị múc đào sâu hàng chục mét cho thấy doanh nghiệp chỉ “chăm chăm” đào đất bán ra ngoài. Thử hỏi với những diện tích đất đồi bị múc sâu đất tầng phủ đưa đi bán, để lại những hố sâu hoắm như vậy sao có thể làm trang trại trồng cây? Liệu đây có phải là “chiêu bài” lợi dụng cải tạo trang trại nông lâm để tận thu, bán đất, không đúng phương án cải tạo?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục tìm hiểu, phản ánh những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Hưng Đức Vinh trong quá trình triển khai dự án này.