Đừng tự liệt mình vào “Sách Đỏ”

Môi trường - Ngày đăng : 10:40, 29/06/2021

(TN&MT) - Năm 2020 đi qua trên lãnh thổ Việt Nam với 14 cơn bão; 265 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ, sụt lún đê… Cùng với bộn bề âu lo giải quyết hậu quả nặng nề của thiên tai và tái thiết cuộc sống, một câu hỏi lớn đặt ra đòi chúng ta phải trả lời: Vì sao thiên nhiên nổi giận?

Nằm trong vùng rốn bão của thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia rủi ro thiên tai cao nhất và đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan. Sự dị thường của thời tiết, rõ ràng bắt nguồn từ vị trí địa lý mà không riêng gì Việt Nam, bất cứ quốc gia nào cũng không có quyền lựa chọn “chỗ đứng” cho riêng mình. Thế nên, làm sao cho chỗ đứng ấy ngày một an toàn là trách nhiệm thuộc về con người trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro của thiên tai.

Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi năm 2020 đã chỉ ra rằng, phòng, chống thiên tai là trách nhiệm không chỉ của riêng Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cộng đồng và đặc biệt là mỗi cá nhân. Thế nhưng chúng ta dường như đang đổ riệt việc này lên cơ quan chức năng mà quên mất vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình trong cách hành xử với thiên nhiên. Và nếu có tai biến thiên nhiên xảy ra thì lỗi đầu tiên đương nhiên chúng ta quy cho Nhà nước.

Ảnh: Văn Hùng

Trở lại những ngày tháng 10/2020, sau những trận lũ và sạt lở kinh hoàng tàn phá nặng nề nhiều tỉnh miền Trung, đã từng có nhiều cuộc biện tranh đặt ra vấn đề khai thác khoáng sản, phá rừng làm thủy điện tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro này.

Điều đó quả không sai. Tuy nhiên, không một cơ quan Nhà nước hay chính quyền nào tiếp tay cho những việc tận diệt và hủy hoại thiên nhiên môi trường vô lối mà chỉ có những cá nhân con người thoái hóa biến chất, vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng mà đội lốt chính quyền, mượn danh cán bộ để bán rẻ thiên nhiên.

Nhiều cánh rừng bị khai thác, chặt phá không thương tiếc gây giảm khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn. Nhiều quả đồi, lòng núi bị đào xẻ lùng khoáng sản đã thúc đẩy quá trình tai biến địa chất, tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ ống. Nhiều hồ chứa, đập thủy điện không đủ an toàn gây nguy cơ vỡ đập, đe dọa tính mạng con người.

Cần phải nói cho rõ rằng, ở góc độ kiểm chứng khoa học cho thấy, các đập thủy điện chính thống có thể giúp giảm nhẹ lũ lụt tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành. Vậy nên, mặt trái của một số công trình thủy điện nhỏ nằm ở sự lạm dụng trong xây dựng, lựa chọn địa điểm, quy trình… mà con người mới chính là chủ thể vi phạm do lợi ích nhóm gây ra.

Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không riêng gì ở Việt Nam mà cả trên thế giới luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý. Tuy nhiên, mục tiêu nhất quán của Việt Nam là kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Việc Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ TN&MT cho dừng 400 dự án thủy điện nhỏ trong năm 2020 và nhiều động thái khác cho thấy những quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ thiên nhiên nói chung và bảo vệ rừng - lá chắn trong phòng, chống thiên tai nói riêng.

Vậy nên, trước khi chĩa mũi dùi vào chính quyền, mỗi chúng ta hãy nhìn lại bản thân. Đã đành còn có những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và dự báo thiên tai. Nhưng cái lỗ hổng đáng nói không kém là lỗ hổng về đạo đức và nhận thức của một bộ phận người dân. Đã từng có việc phớt lờ cảnh báo của chính quyền dẫn đến những hậu quả đau lòng do thiên tai gây ra. Và những vụ tàn phá thiên nhiên, khai thác khoáng sản cực đoan, tận diệt rừng, xây thủy điện nhỏ tràn lan, xả thải bừa bãi... chắc chắn không nằm trong sự chỉ đạo hay thu lợi cho Nhà nước.

Nhớ rằng, chúng ta không thể đánh đồng sự cho của Mẹ - Thiên nhiên với sự cho của Mẹ - Con người. Xét cho cùng, con người, trong mối tương quan, cũng chỉ là một thành tố trong hệ sinh thái của thiên nhiên. Vậy nên, hãy hòa mình vào thiên nhiên, hãy đừng tự ăn da thịt mình, đừng vô hình dung liệt mình vào “Sách Đỏ”.

Việt Hải